Anh Phan Thiên Đức tiên phong sử dụng chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) ủ phân hữu cơ và nuôi kiến vàng để bảo vệ vườn bưởi, đem lại kết quả tích cực.
Với mong muốn bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị trái bưởi Tân Triều, anh Phan Thiên Đức – nông dân tâm huyết tại xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đã tiên phong áp dụng những phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ. Hai giải pháp chủ lực mà anh sử dụng là chế phẩm vi sinh vật bản địa (IMO) và nuôi kiến vàng.
Bước chân vào vườn bưởi hữu cơ của anh Đức, ấn tượng đầu tiên là khung cảnh xanh mát, từng hàng bưởi sum suê, phát triển khỏe mạnh, những quả bưởi to, tròn mọng nước.
Anh Phan Thiên Đức chia sẻ, từ khi huyện Vĩnh Cửu triển khai mô hình này vào cuối năm 2018, anh đã tiên phong áp dụng cho vườn bưởi của mình và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. IMO giúp tăng độ phì nhiêu của đất, cải thiện cấu trúc đất, cung cấp dinh dưỡng lâu dài cho cây trồng. Đặc biệt, phương pháp này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn.
Về cách làm IMO tại vườn, anh Đức cho biết để có một mẻ phân bón hữu cơ, anh tận dụng các phế phụ phẩm sẵn có trong vườn, kết hợp với cám gạo, men rượu, sữa chua và tận dụng nguồn cá tạp giá rẻ mua được từ hồ Trị An để ủ. Sau 10 – 15 ngày, vi sinh sẽ phát triển đủ mạnh và sau 90 ngày là có thể nhân ra để sử dụng. Đối với chế phẩm BVTV, anh sử dụng gừng, sả, ớt được trồng ngay tại vườn để ủ, trong vòng 2 tuần có thể đem ra sử dụng.
Theo anh Đức, trước đây mỗi vụ chi phí cho phân bón và thuốc BVTV cho 1ha bưởi có thể lên tới 120 – 150 triệu đồng. Tuy nhiên từ khi chuyển sang sử dụng vi sinh, chi phí đã giảm xuống chỉ còn khoảng 45 – 50 triệu đồng mỗi vụ.
“IMO tạo môi trường lý tưởng cho sự phát triển của giun đất – sinh vật đóng vai trò quan trọng trong việc làm tơi đất, cải thiện sự thông thoáng và giữ ẩm cho đất. Chúng còn giúp chuyển đổi chất hữu cơ thành dinh dưỡng dễ hấp thụ cho cây trồng, tạo điều kiện cho cây trồng phát triển mạnh khỏe, đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học. Trong khi đó, chế phẩm BVTV sinh học sẽ không mang lại hiệu quả tức thời nhưng kiên trì sử dụng sẽ từng bước làm suy giảm mật độ sâu bệnh phá hoại, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt”, anh Đức phấn khởi.
Ngoài việc sử dụng IMO thay thế phân bón hóa học và thuốc BVTV, anh Đức còn tiên phong nuôi kiến vàng. Anh chia sẻ, kiến vàng là loài thiên địch hiệu quả, chúng có khả năng săn lùng và tiêu diệt sâu bệnh giúp bảo vệ mùa màng mà không cần hóa chất. Nhờ canh tác theo hướng hữu cơ, đã tạo môi trường sinh thái phù hợp để kiến vàng sinh sôi.
Việc nuôi kiến vàng không mất chi phí, lại giúp giảm đáng kể việc sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ hệ sinh thái. Kiến vàng có thể được kết hợp với các biện pháp khác như dùng thuốc sinh học, vệ sinh vườn, cắt tỉa cành…, đây là phương pháp hữu hiệu giúp kiểm soát rệp sáp và sâu bệnh, bảo vệ sức khỏe cây trồng.
“Gần một năm nay, nhờ nuôi kiến vàng, tôi đã giải quyết triệt để rệp sáp mà không cần hóa chất. So với phương pháp hóa học, canh tác hữu cơ mang lại rất nhiều lợi ích, giảm chi phí, tăng lợi nhuận”, anh Đức nói.
Theo Hội Nông dân xã Bình Lợi, vùng đất tả ngạn sông Đồng Nai có thổ nhưỡng và khí hậu lý tưởng cho cây ăn quả như bưởi, cam, quýt. Đặc biệt, thương hiệu “Bưởi Tân Triều” được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần xây dựng danh tiếng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
“Hiện xã Bình Lợi có hơn 250ha trồng bưởi với trên 90% diện tích đã ứng dụng phương pháp IMO sau 3 năm triển khai. Việc ứng dụng IMO được xem là chìa khóa để nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu bưởi địa phương, trong đó mô hình của anh Đức là mô hình tiêu biểu”, ông Thiều Quốc Việt – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi nhấn mạnh.
Trần Trung – Trần Phi
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn