Ngày 11/10, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam và UBND huyện Cư M’gar tổ chức hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất ngành hàng cà phê và hồ tiêu khu vực Tây Nguyên.
Thời gian qua Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tổ chức đề tài nghiên cứu Ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất ngành hàng cà phê và hồ tiêu khu vực Tây Nguyên tại xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 50ha trồng cà phê.
Trong đó, 2ha cà phê được đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị tưới kết hợp với bón phân đồng bộ. Đối với hệ thống giám sát, nhóm triển khai bố trí trạm khí tượng cho toàn mô hình 50 – 60ha và 1 hệ thống các cảm biến giám sát độ ẩm, nhiệt độ, EC đất cho khu vực 2ha. Các mô hình cập nhật theo thời gian thực với tần suất 5 – 15 phút/lần.
Ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo. Ảnh:Quang Yên.
Mục tiêu của đề tài nghiên cứu là xây dựng bản đồ giám sát vùng trồng cà phê khu vực Tây Nguyên từ dữ liệu ảnh viễn thám và mô hình học máy. Trong đó, xây dựng bộ dữ liệu mẫu để huấn luyện, kiểm định mô hình phân loại vùng trồng; Thiết lập mô hình phân vùng trồng cà phê từ ảnh viễn thám; Xây dựng các bản đồ giám sát vùng trồng cà phê.
Đề tài sử dụng ứng dụng viễn thám trong giám sát cây trồng dựa vào các đặc tính phản xạ phổ khác nhau của các loại cây trồng (biểu hiện thông qua màu sắc, cấu trúc tán…) để phân loại. Theo đó, ứng dụng viễn thám sẽ theo dõi tình trạng cây trồng; đặc tính phản xạ của thực vật với sóng điện từ trong các tình trạng sức khỏe khác nhau. Dựa vào xu hướng phản xạ của cây trồng đối với sóng điện từ các vệ tinh viễn thám; các đặc điểm khí tượng – thủy văn; tình trạng sức khỏe cây trồng từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ tưới bón, uớc tính năng suất…
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, do đặc thù các loại cây trồng trên địa bàn huyện chủ yếu là cây công nghiệp nên nhu cầu nước tưới, đặc biệt là về mùa khô hết sức quan trọng, quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và chi phí đầu tư. Trong những năm trước, việc tổ chức tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng chưa được quan tâm chú trọng vì chưa được đầu tư thiết bị, công nghệ tưới tiết kiệm nên còn lãng phí nguồn tài nguyên nước.
Trên địa bàn huyện Cư M’gar, nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng, trên diện rộng, thời gian kéo dài dẫn đến thiệt hại hàng ngàn ha cây trồng, chủ yếu là với cây cà phê, hồ tiêu.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng chuyên canh cà phê, trong những năm qua, huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều biện pháp nhằm quản lý và khai thác hợp lý nguồn nước như xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hồ đập, kênh tưới nước và tổ chức điều tiết nước tưới đảm bảo mùa vụ, hiệu quả, tiết kiệm; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức trồng rừng, trồng cây phân tán, tăng độ che phủ.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, huyện Cư M’gar đã ban hành Nghị quyết về Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp tưới tiết kiệm nước và đã huy động được các nguồn lực tham gia. Trong đó nhiều công nghệ tưới tiết kiệm, tưới thông minh đã được áp dụng với diện tích trên một nghìn ha cho các loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo…
“Với những hiệu quả mà đề tài đạt được, tôi tin mô hình có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tế. Tuy nhiên để phát triển rộng rãi cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần hỗ trợ người dân”, ông Văn nói.
Ông Nguyễn Quang Tin, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau thời gian triển khai đề tài thực tế, tính thực tiễn của đề tài được cơ quan quản lý nhà nước và người dân đánh giá cao.
Theo ông Tin, ứng dụng công nghệ đang là xu thế chung của cả nước. Do đó, trong thời gian tới đề nghị Viện tiếp tục hoàn thiện đề tài để công bố rộng rãi.
“Chúng ta có sản phẩm tốt, tuy nhiên khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất là khẳng định chúng ta có nghiên cứu, đáp ứng được về nông sản xanh, chất lượng. Với đề tài này thì đề nghị Viện mở rộng sang các cây trồng khác trên nguyên lý đầu vào, đầu ra hợp lý. Đây là sản phẩm trí tuệ mới trong thời gian tới để nhân rộng hơn vào trong sản xuất, giúp ngành nông nghiệp phát triển”, ông Tin nói.