Kết quả vừa nêu đến từ việc dám nghĩ dám làm của người đàn ông đam mê nông nghiệp. Khoảng 8 năm trước, khi còn đang công tác tại huyện Năm Căn, ông Hùng thấy người dân địa phương phát triển nuôi chồn nên học hỏi và nuôi thử. Lứa chồn đầu tiên, ông Hùng đầu tư 110 triệu đồng để nuôi 10 con chồn, nhưng do chưa vững kỹ thuật, bị chết toàn bộ. Không nản lòng, ông Hùng chịu khó tìm hiểu nhiều hơn để tái đầu tư và những năm sau đó liên tục thành công.
“Quá trình nuôi chồn này cũng dễ, nhất là nuôi theo mô hình bán thương phẩm, chỉ khó nhất là việc cho chồn giao phối. Con chồn giao phối rất đặc biệt, cần phải biết thời điểm chúng giao phối xong sẽ tách riêng ra, như thế sẽ giúp chồn tăng đàn, đem lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn”, ông Huỳnh Thanh Hùng chia sẻ bí quyết.
Theo ông Hùng, nuôi chồn thuận lợi ở chỗ không tốn nhiều diện tích; thức ăn của chúng chỉ là chuối và cá, những nguyên liệu này đều phổ biến ở địa phương. Việc chăm sóc chồn cũng không tốn nhiều công sức. Chồn có tập tính ngủ ngày, hoạt động và kiếm ăn vào ban đêm nên dù ông làm việc trong cơ quan nhà nước vẫn chủ động được thời gian để chăm sóc.
Chồn cái nuôi 8 – 10 tháng là có thể cho sinh sản. Chồn thịt nuôi khoảng 5 tháng đạt 2,5kg đủ trọng lượng bán, nhưng nuôi khoảng 7 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 3,5 – 4kg, giúp tối ưu lợi nhuận. Nuôi chồn cũng cần lưu ý phòng bệnh hiệu quả, nếu để chúng bị bệnh sẽ rất dễ lây lan, gây thiệt hại.
“Nếu để chồn có bệnh phải liên hệ ngay với cơ quan thú y. Chồn có 2 loại bệnh tiêu chảy ra máu và phồng chân như tổ ong. Chồn bị bệnh nếu kịp phát hiện và được điều trị sớm tỷ lệ sống khoảng 50%, nếu chậm trễ có khả năng nguyên trại mất hết không còn con nào”, ông Huỳnh Thanh Hùng cho biết thêm.
Những năm qua, trại chồn của ông Huỳnh Thanh Hùng luôn duy trì khoảng trên dưới 100 con chồn nái. Mỗi năm ông cung ứng ra thị trường hàng trăm con chồn giống. Hiện giá chồn giống giao động 7 – 12 triệu đồng/con cái; giống con đực bằng 30% con cái. Giá chồn thương phẩm cũng ổn định ở mức từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg. Nhu cầu chồn giống trên thị trường hiện khá cao, trại chồn của gia đình ông luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Tại địa phương, nhiều hộ dân thấy gia đình ông Hùng nuôi chồn thành công cũng đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về nuôi. Chính quyền địa phương đánh giá cao hiệu quả từ mô hình nuôi chồn, nên khi thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, cũng kết hợp với trại chồn của ông Hùng để cung ứng giống cho người dân, đổi lại ông Hùng có trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi.
“Trại chồn của anh Hùng đã mạnh dạn liên kết với các đơn vị trên địa bàn TP.Cà Mau, như phường Tân Thành để hỗ trợ mô hình, phát triển sinh kế cho các hộ nghèo, từ đó chia sẻ kỹ thuật, cũng như kinh nghiệm chăn nuôi, Qua đó tạo điều kiện các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành đánh giá.
Qua tìm hiểu được biết, ông Huỳnh Thanh Hùng ngay từ khi học lớp 8 đã thử nghiệm các mô hình nuôi cá trê, cá lóc tại nhà. Sau đó, ông Hùng luôn tìm tòi phát triển các mô hình khác và rồi bén duyên với mô hình nuôi chồn. Từ việc dám nghĩ dám làm, dám đứng lên từ thất bại mà nhiều năm qua, mô hình nuôi chồn luôn giúp gia đình ông Hùng có lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Trần Hiếu