Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương là một trong những hợp tác xã đi đầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc liên kết với bà con nông dân, từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.
Hợp tác xã đã xây dựng thành công mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng đến chế biến, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn.
Hiện nay, hợp tác xã có 3 cửa hàng giới thiệu và bán hơn 400 sản phẩm OCOP là nông sản đặc trưng của các địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm trong tỉnh đều do hợp tác xã trực tiếp liên kết với bà con để sản xuất và tiêu thụ.
Ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương,Tuyên Quangcho biết:“Hiện tại chúng tôi đang triển khai các chuỗi liên kết với các hộ dân và đã mang lại hiệu quả, lợi ích kinh tế, khi người dân sản xuất ra sản phẩm, hợp tác xã sẽ bao tiêu. Trong quá trình triển khai thì chúng tôi sẽ cung ứng đầu vào, có các hợp đồng liên kết bao tiêu đầu ra cho bà con. hợp tác xã đã duy trì được nguồn hàng thường xuyên và cung cấp cho đối tác trong và ngoài tỉnh”.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, thôn 4, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn là một trong những hộ được chọn xây dựng vườn mẫu tại địa phương, qua đó giúp ông có điều kiện ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo được sản phẩm hàng hóa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; khu vực trồng cây ăn quả, rau xanh, chuồng trại chăn nuôi và nuôi ong theo chuỗi liên kết với diện tích vườn mẫu khoảng 5.000 m2. Từ đó, thu nhập của gia đình tăng lên; bình quân 5 triệu đồng/tháng và đến nay đã tăng lên 20 triệu đồng/tháng.
Người dân xã Thái Bình nuôi ong liên kết với hơp tác xã nuôi ong Phong Thổ. |
Thời gian qua, hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn.
Ông Trần Xuân Phong, Giám đốc hợp tác xã nuôi ong Phong Thổ cho biết, để thực hiện hiệu quả các khâu liên kết, hợp tác xã cung ứng giống, vật tư chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm mật ong cho các hộ theo giá thị trường.
Đến nay, hợp tác xã đã nhân rộng quy mô 900 đàn/18 hộ tham gia, sản lượng mật ong đạt 12-14 lít/đàn/năm, doanh thu bình quân đạt trên 130 triệu đồng/hộ/năm.
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Mật ong Phong Thổ là sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cao. |
Tỉnh Tuyên Quang đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước qua việc khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển hợp tác xã, xây dựng sản xuất tập trung… đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đời sống, trong đó cụ thể hóa Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mà các bên đối tác đều được hưởng lợi, trực tiếp là nông dân.
Khi tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhà nước sẽ hỗ trợ xây dựng hệ thống hạ tầng, tập huấn kỹ thuật, vốn cho nông dân, doanh nghiệp, tăng năng suất, chất lượng và sản phẩm nông sản của nông dân, đời sống được nâng lên.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 120 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tỉnh đang hỗ trợ 40 dự án từ nguồn vốn của các chương trình quốc gia với số vốn trên 130 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết mới chỉ đạt trên 24%. Để hoàn thành các mục tiêu xa hơn, ngành nông nghiệp của tỉnh đang đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tích cực trong việc tìm kiếm các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết sản xuất để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất và giúp người dân địa phương tiêu thụ nông sản. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các hợp tác xã được tiếp cận các chính sách liên quan về vốn, khoa học – kỹ thuật, lồng ghép các nguồn kinh phí hoạt động khoa học công nghệ, sự nghiệp nông nghiệp, khuyến công, khuyến nông thực hiện các mô hình gắn với điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
Hiện tại, tỉnh Tuyên Quang có gần 120 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. |
Các đơn vị, địa phương cũng đã tìm các doanh nghiệp tiềm năng cùng phối hợp với nông dân trên địa bàn thực hiện các chuỗi liên kết hiệu quả.
Để phát triển liên kết trong giai đoạn tới, cơ sở sẽ tham mưu thực hiện tập trung vào 4 nhóm giải pháp.
Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ, tập huấn để nâng cao năng lực quản lý điều hành đối với các bên sẽ tham gia liên kết, đặc biệt là đồng hành tư vấn trong việc xây dựng thực hiện các hợp đồng liên kết.
Thực hiện tốt các cơ chế chính sách trong đó, thực hiện hỗ trợ dự án liên kết chuỗi giá trị từ các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường nhất là các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nông thôn trên địa bàn và cuối cùng là sẽ thực hiện giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước để các bên tham gia liên kết thực hiện tốt vai trò trong các liên kết.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim cũng cho biết thêm, để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân cần chú trọng xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng.
Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết
Liên kết sản xuất trong nông nghiệp là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và đã có bước phát triển, mang lại một số kết quả nhất định, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng.
Do vậy, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp nhằm từng bước thay đổi tư duy, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, an toàn và bền vững.