Xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) được xem là “vương quốc”bưởido điều kiện thổ nhưỡng ở đây phù rất phù hợp trồngcây có múi, đặc biệt là giống bưởi Năm Roi nổi tiếng. Những năm qua, nhiều hộ dân ở Mỹ Hòa trở nên khấm khá cũng nhờ thu nhập từ cây đặc sản này. Tuy nhiên, theo quy luật, nhiều vườn bưởi ở đây cũng bắt đầu già cỗi, cộng thêm các loại bệnh hại xuất hiện trên cây bưởi gây thiệt hại lớn cho nhà vườn.
Theo ông Trương Văn Lợt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, toàn xã hiện còn 576ha bưởi, giảm hơn một nửa so với năm 2010. Nhiều nhà vườn đã chuyển sang trồng cây khác do bưởi có thời điểm rớt giá. Bên cạnh đó,bệnh vàng lávà thối rễ trên cây bưởi đã khiến nhiều hộ mất thu nhập.
“Tỉnh đã chỉ đạo xã vận động bà con tham gia các mô hình điểm phục hồi vùng cây có múi trên địa bàn. Đồng thời, địa phương đang phối hợp cùng chuyên gia từ Trường Nông nghiệp – Đại học Cần Thơ để thực hiện mô hình trẻ hóa vườn bưởi già cỗi, sau gần 2 năm thử nghiệm đã cho kết quả rất khả quan”, ông Lợt thông tin.
Theo chuyên gia Trường Nông nghiệp – Đại học Cần Thơ, quy trình phục hồi vườn bưởi dựa trên 2 yếu tố chính là phục hồi đất và tạo cành, nhánh mới.
Bên cạnh cắt tỉa cành, người trồng cần cung cấp 13 chất dinh dưỡng cho cây bưởi, những chất này có nhiều trong phân gà, phân cá, đây là nguồn phân hữu cơ tốt cho cây trồng. Để đối chứng hiệu quả, nông dân có thể áp dụng diện tích nhỏ trong vườn, sau khi áp dụng có hiệu quả có thể áp dụng cho cả vườn.
Tại thị xã Bình Minh, nhiều hộ đang áp dụng quy trình phục hồi cây già cỗi cho biết, thời gian trước, vườn bưởi của họ bị suy yếu, vàng lá, cành nhánh không phát triển, thậm chí có cây còn bị chết nhánh và chết luôn cả cây. Sau hơn nửa năm áp dụng giải pháp phục hồi, vườn bưởi đã hồi phục từ 60 – 90%. Cành lá xanh tươi và phát triển tốt. Nông dân thu hoạch đợt trái thứ hai và thứ ba mà cây vẫn chưa có dấu hiệu xuống sức.
Bà Ngô Thị Thúy Hoa ở xã Mỹ Hòa cho biết, trước đây gia đình bà đã đốn bỏ vườn bưởi lão và trồng mới nhưng khi cây gần cho trái lại bị bệnh vàng lá vàthối rễ. Bà đã thử nhiều cách để cứu cây nhưng kết quả không khả quan. Đến khi áp dụng quy trình phục hồi vườn bưởi do Trạm Khuyến nông huyện và chuyên gia Trường Nông nghiệp – Đại học Cần Thơ hướng dẫn, sau nửa năm vườn bưởi đã ra đọt non và lá xanh tốt trở lại.
Theo bà Hoa, khi cây bưởi bị vàng lá, nhà vườn nghĩ rằng nguyên nhân do cây bị bệnh nhưng cũng có thể do đất bị suy thoái. Nếu đất bị nén chặt, cây sẽ không phát triển được và không hấp thụ được phân bón. Do đó, bà xới đất, rải trấu vào đất để giữ độ xốp, sau đó đo độ chua của đất, bón phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho đất.
Bà Hoa cho biết, chỉ sau nửa năm áp dụng quy trình mới, vườn bưởi của gia đình đã ra trái đẹp và đạt năng suất cao nhất trong 5 năm qua. “Sang năm tôi sẽ giảm lượng phân hóa học và thế vào phân hữu cơ”, bà Hoa nói.
Hiện nay, Trạm Khuyến nông thị xã Bình Minh đang phối hợp với chuyên gia từ Trường Nông nghiệp – Đại học Cần Thơ thực hiện 29 mô hình điểm với diện tích 29.000m2 và tiếp tục mở rộng nhằm từng bước phục hồi vùng cây có múi bị suy thoái trên địa bàn tỉnh.
Theo Trạm Khuyến nông thị xã Bình Minh, các vườn cây lâu năm có dấu hiệu suy kiệt do đất vườn trở nên chai cứng và bộ rễ bị tổn hại, không sinh rễ mới. Do đó, cần cải tạo và bổ sung chất hữu cơ cho đất. Thực tế tại địa phương một số vườn bưởi trên 20 năm tuổi đã được phục hồi tốt nhờ thay đổi phương pháp canh tác từ vô cơ sang hữu cơ.