Xây dựng nông thôn mới là Chương trình phát triển kinh tế – xã hội tổng thể ở khu vực nông thôn và cũng là cuộc cách mạng làm thay đổi tư duy nhận thức của người dân, huy động sức mạnh, sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, tạo tiền đề cộng đồng dân cư nông thôn chung sức, đồng lòng xây dựng thôn/xóm/bản xã khang trang, giàu đẹp.
Trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Tiêu chí số 13- Tổ chức sản xuất và Phát triển kinh tế nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy kinh tế – xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo. Xác định rõ tầm quan trọng đó, những năm qua Nghệ An đã nỗ lực thực hiện tiêu chí nhằm góp phần nâng cao thu nhập người dân bền vững.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Tiêu chí số 13, cấp uỷ, Nghệ An đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo Luật hợp tác xã. Công tác kiện toàn, tổ chức lại hợp tác xã gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động kiểu mới được thực hiện tốt, nhất là đối với các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, số hợp tác xã trên địa bàn huyện không ngừng tăng về số lượng, số thành viên, nguồn vốn và doanh thu. Chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao. Nhiều hợp tác xã thực sự là điểm tựa cho các hộ thành viên và người dân nông thôn.
Cùng với người nông dân, các chủ thể đóng vai trò quan trọng trong đổi mới tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn là các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp có sự phát triển. Đến 31/10/2024, toàn tỉnh có 717 hợp tác xã nông nghiệp với 138.157 thành viên; Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 4.050 người; 02 Liên hiệp hợp tác xã; 349 tổ hợp tác, cơ cấu tổ hợp tác trong các ngành, lĩnh vực như sau: Đánh bắt và khai thác thủy sản với 207 tổ hợp tác (chiếm 59,31%); trồng mía 118 tổ hợp tác (chiếm 33,81%); khoanh nuôi và chế biến lùng 9 tổ hợp tác (chiếm 2,58%); trồng cây ăn quả 6 tổ hợp tác (chiếm 1,71%); chăn nuôi bò 2 tổ hợp tác (chiếm 0,57%); trồng rau sạch, nuôi tôm, nuôi hươu, nuôi dê thương phẩm, sản xuất miến gạo bánh đa, sản xuất giá đậu, thu mua nông sản mỗi loại hình 01 tổ hợp tác (chiếm 0,28%).
Các hợp tác xã, tổ hợp tác là cầu nối liên kết giữa hộ nông dân với doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động sản xuất từ cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Qua đó có thể thấy chủ thể kinh tế tập thể giữ vai trò quyết định đến sự thành bại của việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị. Ở địa phương nào các tổ chức kinh tế tập thể hoạt động mạnh thì ở đó việc tổ chức sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn có sự khởi sắc. Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay, đã có 278 hợp tác xã (chiếm 38,77% hợp tác xã toàn tỉnh) có các dịch vụ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên, đóng góp tích cực trong việc giúp nông dân tổ chức sản xuất theo hướng hiệu quả và nhu cầu của thị trường, thực sự làm vai trò bà đỡ cho các hộ nông dân trong việc tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ứng dụng sản xuất công nghệ cao, kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong những thành tựu về sản xuất nông nghiệp thời gian qua không thể không kể đến Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chương trình đã thực sự khơi dậy, phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực, kết tinh những nét tinh hoa đặc sắc của vùng miền, địa phương. Việc triển khai thực hiện Chương trình còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành được một số liên kết theo chuỗi khép kín. Đến hết 31/10/2024, toàn tỉnh có 619 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao (gồm: có 31 sản phẩm đạt 4 sao, 587 sản phẩm đạt 3 sao và 01 sản phẩm đạt 5 sao và có 02 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã hoàn thiện trình Trung ương đánh giá công nhận). Đến nay đã có 300 sản phẩm được lên sàn thương mại điện tử; có 38 sản phẩm OCOP với 25 chủ thể có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và siêu thị bán lẻ hiện đại là một trong những giải pháp đầu ra dài hạn cho sản phẩm OCOP địa phương
Trong bức tranh chung, một số địa phương nổi lên là những điểm sáng về xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như về thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn nói riêng. Để trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030, huyện Yên Thành đã trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ. Triển khai Đề án, Yên Thành ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, đưa lại giá trị sản xuất bình quân cao gấp 2 – 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà. Toàn huyện đã có 15 vùng trồng được cấp mã số với các loại cây trồng như: dưa lưới, rau, cam, lúa; 45 trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao; xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu cấp mã định danh cho 12.071 cơ sở chăn nuôi. Đóng vai trò “bà đỡ” cho sản xuất nông nghiệp có 45 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ hợp tác, trong đó có những hợp tác xã tiêu biểu toàn tỉnh và hoạt động theo mô hình hợp tác xã kiểu mới, phát triển sản xuất kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, có cách làm sáng tạo đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như: Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành, Hợp tác xã nông nghiệp Minh Thành, Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, hợp tác xã Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn huyện Kỳ Sơn, hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp – diêm nghiệp Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu… Một số hợp tác xã ứng dụng công nghệ vào sản xuất như Hợp tác xã dược liệu Quỳ Hợp, Hợp tác xã nông dược Tĩnh Sáng Đường, Hợp tác xã nông nghiệp Hùng Thanh, Hợp tác xã Sen Quê Bác, Hợp tác xã dược liệu Pù Mát… và một số hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoạt động có hiệu quả với các sản phẩm chế biến tinh bột nghệ, bột sắn dây, dây thìa canh…như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bình An, Hợp tác xã dược liệu Phủ Quỳ, Hợp tác xã dược liệu Nghĩa Đàn…
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Đạt tại tại xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì nhìn chung số lượng hợp tác xã ngừng hoạt động vẫn còn nhiều, đến nay có 109 hợp tác xã ngừng hoạt động và hoạt động cầm chừng, chiếm 15,2%. Các hợp tác xã này chủ yếu ở khu vực miền núi như Quế Phong, Quỳ Hợp… Vẫn còn nhiều hợp tác xã hoạt động còn thụ động, bộ máy yếu về năng lực quản lý; số hợp tác xã hoạt động sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn ít, quy mô nhỏ, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn. Việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chiều ngang giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân với nhau và hợp tác, liên kết theo chiều dọc giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân và giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ nông dân với nhau còn hạn chế, thiếu tính bền vững, chưa đáp ứng yêu cầu. Quá trình vận động nhân dân tập trung ruộng đất để thực hiện sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hợp tác, liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn, các hợp tác xã, doanh nghiệp còn lúng túng trong việc góp đất, thuê đất để sản Còn khó khăn khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thiếu tính bền vững, chưa đủ thể hiện minh bạch mọi hoạt động, thiếu báo cáo tài chính, sổ sách kế toán chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên khó tiếp cận được vốn vay. Vì vậy, việc thực hiện tiêu chí thứ 13 trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vẫn là nhiệm vụ khó khăn đối với các địa phương. Với xuất phát điểm thấp, tình hình kinh tế vùng nông thôn, nhất là các huyện miền núi còn nhiều khó khăn. Địa bàn nông thôn rộng, nhiều nơi địa hình hiểm trở, chia cắt; cơ sở hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ hoặc xuống cấp; việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất còn hạn chế; các mô hình sản xuất công nghệ cao còn ít và chậm được nhân rộng. Phần lớn người dân nông thôn vẫn còn thói quen thực hiện phương thức sản xuất tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ. Mặc dù số lượng khá lớn song các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả chưa nhiều, đa phần quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh yếu, nguồn vốn hạn hẹp; việc tiếp cận chính sách tín dụng, đất đai còn nhiều trở ngại; bộ máy quản lý còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trong điều kiện nội tại chưa nhiều thuận lợi, việc thu hút đầu tư từ bên ngoài cũng còn khó khăn. Hiệu quả đầu tư sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao bởi tác động từ các nguyên nhân khách quan như biến động giá cả thị trường, biến đổi khí hậu, các loại sâu bệnh, dịch bệnh khiến việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chưa có chế tài đủ mạnh để đảm bảo các mối quan hệ hợp tác, liên kết giữa các bên tham gia, dẫn đến nhiều liên kết thiếu bền vững. Một số địa phương còn lúng túng trong cách thức triển khai; chưa xác định rõ và có hướng đi bài bản, chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương cũng như năng lực của chủ thể sản xuất.
Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2021-2025, mỗi địa phương và cả hệ thống chính trị của tỉnh cần tiếp tục nỗ lực và có sự tăng tốc, bứt phá. Trước tiên cần xác định tiêu chí số 13 là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt như Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ghi rõ: “nông thôn mới là nền tảng, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là căn bản”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với thực hiện Chương trình OCOP và phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả, gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ kỹ thuật ngành nông, lâm, thủy sản. Tăng cường liên kết, hợp tác với các viện, trường, các địa phương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chú trọng việc xây dựng và phát triển thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, tem, nhãn mác…) đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Triển khai và phát huy hiệu quả các đề tài khoa học đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn: Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP từ tri thức bản địa của các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng nông thôn mới vùng miền Tây Nghệ An.
Những vườn cây trĩu quả mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân tỉnh Nghệ An
Hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tiêu biểu, đồng thời khuyến khích giải thể, tổ chức lại các hợp tác xã yếu kém. Triển khai có hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024 trong đó đã thể chế hóa 08 nhóm chính sách theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, nhất là việc tiếp cận vốn, đất đai, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển. Ban hành, bổ sung các chính sách đặc thù để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững. Tập trung nguồn lực để thực thi các chính sách đã ban hành.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nhằm từng bước thay đổi hình thức sản xuất nông nghiệp truyền thống để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền huyện đang tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, khuyến khích người dân tham gia, đồng thời quan tâm nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
ThS. Hoàng Đình Ngọc
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn