Thông qua quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và Sở NN-PTNT, người chăn nuôi Đồng Nai yên tâm mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Hơn 10 năm, từ lúc bắt đầu manh nha ý tưởng về tăng cường quan hệ đối tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp và y tế đối với các vấn đề y tế công cộng, nhưng bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai tưởng như ngày hôm qua.
Những năm ấy, Đồng Nai đi đầu cả nước về chăn nuôi tập trung, trong đó có nuôi động vật hoang dã. Mọi công tác đều sẵn sàng. Các cơ sở nuôi động vật hoang dã hầu hết đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận mới chỉ xác định rõ nguồn gốc của vật nuôi theo quy định, chứ chưa chứng minh vật nuôi đã được kiểm dịch hay chưa. Việc giao dịch mua bán các sản phẩm này trên thị trường, vì thế, gặp nhiều khó khăn. Chưa kể nguy cơ tiềm ẩn về lây lan dịch bệnh, cũng như truyền nhiễm bệnh sang người.
“Khoảng 2/3 bệnh truyền nhiễm trên người bắt nguồn từ động vật”, ông Phúc cho biết và nói thêm, rằng những cán bộ CDC như ông luôn đau đáu với nhiệm vụ làm thế nào phát hiện từ sớm, từ xa những bệnh mới nổi, những bệnh nguy hiểm trên động vật để giảm nguy cơ lây truyền sang người.
Với quan điểm, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội, ông Phúc cùng đồng nghiệp đã tham mưu xây dựng quy chế phối hợp tăng cường hợp tác giữa ngành nông nghiệp và y tế. Xuất phát từ những bệnh nguy hiểm như dại, cúm A… các tổ công tác liên ngành ở Đồng Nai mở rộng dần đối tượng và hiện một trong những vấn đề trọng tâm là phòng, tránh những bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã.
Từ 3 đầu mối trực tiếp, là CDC, Chi cục Chăn nuôi – Thú y, Chi cục Kiểm lâm, các bên sẽ cùng trao đổi, cập nhật thông tin, phối hợp điều tra và ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm từ động vật, đảm bảo công việc được phân công khoa học, rõ ràng, giúp tốc độ phản ứng, xử lý với dịch bệnh được nhanh chóng, kịp thời.
Quy chế này đặc biệt phát huy hiệu quả trong lần dập dịch tại trại nuôi cầy hương trên địa bàn Đồng Nai, khiến 2/3 số cá thể trong đàn bị chết.
Theo bác sĩ Phúc, nếu giải quyết đơn lẻ, ngành nông nghiệp chỉ tập trung phòng chống dịch bệnh trên động vật, còn y tế lo khoanh vùng, ngăn ngừa nguy cơ lây lan sang người. Với số lượng cá thể lớn cộng với tâm lý bất ổn của người chăn nuôi, nhiệm vụ khó hoàn thành trong thời gian ngắn. Nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ, công việc đã diễn ra thuận lợi.
“Chúng tôi mất tổng cộng khoảng 20 ngày. Sau đó, sức khỏe cầy hương trong trại đi vào ổn định, chủ cơ sở cũng tin tưởng tái đàn”, ông Phúc bày tỏ và thừa nhận, lực lượng liên ngành đã không bỏ sót bất cứ nguy cơ nào khi thực hiện song song hai nhiệm vụ.
Quy chế phối hợp liên ngành số 6552/QCPH-SYT-SNNPTNT ban hành ngày 30/9/2022 mở ra nhiều hướng đi mới cho chăn nuôi tại Đồng Nai. Ở nhiều xã, phường, thị trấn, người dân tận mắt thấy thú y viên và y tế cơ sở hợp tác trong việc phát hiện và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là 8 bệnh ưu tiên của tỉnh.
Từ những bước đi chập chững hồi năm 2012, đến nay Đồng Nai đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là việc xây dựng khung pháp lý thống nhất. Kế hoạch số 58/KH-UBND ngày 23/2/2024 về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản có sự tham gia của ngành y tế. Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 11/4/2024 về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm có sự trách nhiệm của ngành nông nghiệp.
Sau 2 năm triển khai Quy chế phối hợp số 6552 giữa ngành y tế và nông nghiệp, người chăn nuôi Đồng Nai đã cảm nhận được rõ ràng lợi ích.
Tại huyện Vĩnh Cửu, nằm tiếp giáp với Vườn quốc gia Cát Tiên và là cửa ngõ Tây Bắc của tỉnh, những năm trước đây tình trạng mua bán, vận chuyển động vật hoang dã từng khiến cơ quan chức năng nơi đây trăn trở. Bởi hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến “nghề truyền thống” nuôi dúi, cầy hương của người dân trên địa bàn. Chỉ cần để lọt một trung gian truyền bệnh như ve, ruồi, muỗi… thật khó để lường nổi hậu quả.
Nhưng từ khi nuôi dúi từ năm 2018, vài năm sau khi ý tưởng phối hợp liên ngành của bác sĩ Phúc được triển khai trên diện rộng, cơ sở nuôi hơn 100 cá thể của anh Lê Văn Hạnh, xã Vĩnh Tân vẫn sống khỏe.
“Tôi yên tâm lắm”, anh nói và bật mí bí quyết nằm ở việc nắm chắc kiến thức về phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như đảm bảo ngăn ngừa việc truyền nhiễm sang người. Theo lời anh, 2 ngày 1 lần, khu chuồng trại được vệ sinh. Định kỳ hàng tháng, anh Hạnh lại tiến hành khử trùng toàn bộ khu nuôi.
Với giá bán khoảng 2 triệu đồng cho 1 cặp giống nặng từ 6-8 lạng, 2,5 triệu đồng cho 1 cặp từ 8 lạng đến 1 cân, và 700.000 đồng/kg cho dúi thương phẩm, việc nuôi dúi cũng tạo thêm cho anh một nguồn thu nhập khoảng 100 triệu mỗi năm.
Đến thăm cơ sở nuôi của anh Hạnh mới thấy vốn kiến thức từ những buổi tập huấn đáng quý thế nào. Trong khu nuôi rộng khoảng vài chục mét vuông, các chuồng được xếp chồng lên cao gần ngang đầu người. Mật độ có thể nói là tương đối cao, nhưng toàn bộ không gian lại sạch sẽ, thoáng mát, đặc biệt nhất là không có mùi, không gây ô nhiễm môi trường.
Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh Hạnh tự đi kiếm thức ăn cho dúi, thường là rễ, củ (măng), hoặc các loại cây họ tre, nứa, trúc, mía, cỏ voi, rau củ quả. Anh bảo làm nghề này gần như chỉ phải bỏ công và rất “nhàn đầu”. Theo khuyến cáo của cán bộ kiểm lâm, anh tuyệt đối không nhập dúi không rõ nguồn gốc. Cộng thêm hướng dẫn của lực lượng y tế, thú y, nỗi lo dịch bệnh không còn dù nuôi với mật độ dày.
Chị Nguyễn Thị Thiết, một nông dân ở xã Phú Lý cũng nuôi động vật hoang dã. Từ 5 cá thể ban đầu, đàn chồn của chị đã tăng lên hơn 30 con. Dù cách thị trấn Vĩnh An 50km, chị Thiết thường xuyên được cán bộ Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu tới thăm, động viên, hướng dẫn việc vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người nuôi, cũng như người tiêu dùng sau này.
Anh Đinh Nam Khương, Hạt kiểm lâm huyện Vĩnh Cửu cho biết, người dân trên địa bàn có truyền thống nuôi động vật hoang dã từ nhiều năm trước. Nếu không thực hiện khai báo, cấp mã số cơ sở nuôi, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là không nhỏ, đặc biệt là những bệnh mới nổi.
“Chúng tôi xác định, người dân nuôi động vật hoang dã trong lúc rảnh rỗi, nhằm nâng cao thu nhập. Vì vậy, đa số bà con dựa vào kinh nghiệm là chính. Cán bộ kiểm lâm phải liên tục đến từng cơ sở, hướng dẫn người dân trình tự thủ tục, tuân thủ quy định pháp luật, đồng thời làm cầu nối giữa các trại với nhau để họ trao đổi thông tin về giống, kỹ thuật”, anh thông tin.
Ông Bùi Minh Tân, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Bảo tồn và Pháp chế Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết thêm, rằng trước đây người chăn nuôi phải tiếp nhận thông tin qua nhiều nguồn khác nhau, như đảm bảo dịch bệnh từ hệ thống thú y, giấy phép đăng ký qua kiểm lâm, còn đảm bảo sức khỏe lại đầu mối từ ngành y tế.
Khi triển khai quy chế phối hợp, lực lượng kiểm lâm có thể hướng dẫn đồng thời. Bên cạnh việc phổ biến, hướng dẫn thủ tục đăng ký hộ nuôi, kiểm lâm còn tham gia kiểm tra, giám sát phương án nuôi của người dân, từ cơ sở hạ tầng, diện tích, mật độ phù hợp với đặc tính loài, công nghệ chăn nuôi, cũng như khả năng cung cấp thức ăn, phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
“Chúng tôi kiên quyết không cho nhập động vật hoang dã nếu không có giấy kiểm dịch. Đồng thời, phối hợp lấy mẫu kiểm nghiệm từ các cơ sở nuôi và điều tra, xử lý ổ dịch khi xảy ra vấn đề”, ông Tân chia sẻ.
Kinh nghiệm thực tế tại Đồng Nai cũng là mục tiêu mà sáng kiến Một sức khỏe của CGIAR (One health) theo đuổi.
TS Fred Unger, Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tại châu Á cho biết, từ lâu các nhà khoa học trên thế giới đã thống nhất, rằng sức khỏe của con người, sức khỏe của động vật khác và sức khỏe của môi trường có mối liên hệ mật thiết với nhau. Trên cơ sở đó, các chuyên gia y tế, chuyên gia thú y, cũng như các chuyên gia trong các ngành sức khỏe, môi trường có xu hướng tương tác qua lại, thay vì làm việc đơn lẻ.
“Cách làm tại Đồng Nai là minh chứng sống động cho việc ‘Một sức khỏe’ không chỉ là lý thuyết. Cùng nhau, tất cả cùng tham gia một cách có trách nhiệm để các thành tố cấu thành đều khỏe mạnh”, ông Unger nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y Đồng Nai cho biết, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ngoài việc khai báo đàn cũng cần quan tâm đến các yếu tố môi trường và không được làm ảnh hưởng đến cảnh quan.
Cơ sở nuôi, đặc biệt là nuôi động vật hoang dã, phải giám sát an toàn dịch bệnh mới được xuất bán sản phẩm. Những cơ sở không đảm bảo yêu cầu sẽ bị kiểm tra, giám sát, thậm chí đề xuất di dời.
Chi cục cũng tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh đẩy mạnh cách tiếp cận Một sức khỏe và triển khai can thiệp an toàn sinh học tại những trại nuôi quy mô hộ gia đình, nhằm ngăn chặn tận gốc nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Các biện pháp do chính người nuôi lựa chọn thực hiện, giúp họ thay đổi nhận thức về việc sử dụng bảo hộ lao động, góp phần giảm nguy cơ lây truyền mầm bệnh.
“Quy chế phối hợp liên ngành đã gắn kết ngành thú y, kiểm lâm, y tế và chính quyền các cấp trong chủ động phòng ngừa, phát hiện và phối hợp ứng phó khi có dịch và ổ dịch từ các trại nuôi. Chúng tôi chủ trương không cần thủ tục hành chính, mà chỉ cần thông báo qua điện thoại, giúp tăng tốc độ xử lý khi có vấn đề xảy ra”, ông Giang nhấn mạnh.
Bảo Thắng
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới