Bến Tre là tỉnh có vùng đất ngập nước rộng lớn, với mạng lưới sông, kênh, rạch chằng chịt và các vùng cửa sông, rừng ngập mặn, bãi bồi ven biển. Khu vực ven biển của tỉnh Bến Tre được đánh giá có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là các loài chim hoang dã, chim di cư, một số loài chim có tên trong sách Đỏ…
Bãi bồi ven biển, vùng cửa sông, rừng ngập mặn ở Bến Tre là khu vực sinh sống của các loài chim hoang dã, tuyến đường di cư của các loài chim nước quý, hiếm trên thế giới.
Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 24-8-2021 của HĐND tỉnh về tầm nhìn phát triển tỉnh Bến Tre đến năm 2030 và năm 2045, đã xác định: Đến năm 2030, Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng ổn định theo định hướng phát triển về hướng Đông, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và trở thành tỉnh Bến Tre phát triển khá của cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đứng trong nhóm 6 của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhóm 30 của cả nước. Đến năm 2045, Bến Tre có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và môi trường sống lý tưởng cho người dân, trở thành tỉnh phát triển thịnh vượng của khu vực ĐBSCL và cả nước, với các tiêu chí: Đáng sống, có thu nhập cao, môi trường sống xanh – sạch – đẹp, thân thiện, hiện đại.
Bến Tre còn là tỉnh nằm cuối nguồn sông Mekong đổ ra biển Đông, nơi đây được mệnh danh là vùng đất “xứ Dừa” với nhiều vườn cây ăn trái, cây giống, hoa kiểng và nuôi trồng thủy sản ven biển.
Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), khu vực ven biển của tỉnh được đánh giá có đa dạng sinh học cao.
Đây là khu vực sinh sống của các loài chim hoang dã, tuyến đường di cư của các loài chim nước quý, hiếm trên thế giới. Sở TN&MT đã phối hợp với Công ty TNHH Dịch vụ, nghiên cứu và du lịch hoang dã, các cơ quan địa phương xây dựng “Sổ tay đa dạng sinh học chim tỉnh Bến Tre” và “Tài liệu đa dạng sinh học chim tỉnh Bến Tre” để phục vụ truyền thông đến cộng đồng và công tác quản lý.
Nhiếp ảnh chuyên nghiệp được thuê để chụp ảnh mùa chim di cư, chim hoang dã tại Bến Tre, công trình ảnh dự kiến công bố vào tháng 7-2024. (ảnh do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp). Nhiều loài chim hoang dã, chim di cư ở Bến Tre có tên trong sách Đỏ, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hình ảnh các loài chim nước được ghi hình thực tế tại khu vực ven biển huyện Bình Đại, Ba Tri vào đầu năm 2024 (mùa chim di cư) và cơ sở dữ liệu hình ảnh, thông tin tổng hợp nghiên cứu từ nhiều năm của Thạc sĩ Nguyễn Hoài Bảo – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ, nghiên cứu và du lịch hoang dã.
Qua đó, Sở TN&MT đã xây dựng bộ dữ liệu ảnh chim hoang dã, di cư trên địa bàn tỉnh, tập trung khu vực 3 huyện ven biển. Đây hoàn toàn là ảnh mới thuộc bản quyền quản lý, sử dụng của Sở TN&MT và đơn vị ghi hình theo quy định, sử dụng cho mục đích bảo tồn, quản lý đa dạng sinh học.
Khu vực các bãi bồi của tỉnh được các nhà khoa học trong và ngoài nước chú trọng nghiên cứu khá đầy đủ về đa dạng sinh học. Đặc biệt, đa dạng sinh học nhóm chim di cư. Nhóm này thường di cư về Việt Nam vào tháng 10 và rời đi vào tháng 4.
Các loài chim này liên tục được kiểm đếm hàng tháng theo khuôn khổ các chương trình bảo tồn toàn cầu. Nhiều loài chim di cưm chim hoang dã trong đó được liệt vào Sách đỏ IUCN (hay gọi tắt là Sách đỏ) được bắt đầu từ năm 1964. Đây là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới. Sách sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng ngàn loài và phân loài.
Hàng ngàn cá thể chim di cư về các bãi bồi của tỉnh được xác định là loài chim ven bờ (shorebirds). Đây là một nhóm chim nước đa dạng có chung các đặc điểm thích hợp kiếm ăn ở vùng nước nông hoặc bùn hay cát ướt.
Chúng có đôi chân dài so với kích thước cơ thể và đã phát triển với chiều dài, hình dạng mỏ khác nhau để tiếp cận những con mồi khác nhau bên dưới hoặc trên bề mặt bùn hoặc cát. Hầu hết, các loài chim ven bờ sống dựa vào các vùng đất ngập nước ven biển hoặc nước ngọt trong ít nhất một phần vòng đời của chúng.
Các loài chim ven bờ thường xuyên đến các bãi triều, có phần bùn hoặc cát dọc bờ biển lộ ra khi thủy triều xuống và thường xuyên bị ngập trong nước biển khi thủy triều lên để kiếm ăn.
Một số loài chim quan trọng ven biển Bến Tre như: Choắt mỏ cong hông nâu (Numenius madagascariensis). Choắt mỏ thẳng đuôi vằn (Bar-tailed Godwit Limosa lapponica). Rẽ lớn ngực đốm – Great Knot (Calidris tenuirostris). Rẽ cổ đỏ Red-necked Stint (Calidris ruficollis). Rẽ mỏ thìa Spoon-billed Sandpiper (Calidris pygmeus). Rẽ ngực nâu – Curlew Sandpiper (Calidris ferruginea). Choắt lớn mỏ vàng Spotted Greenshank (Tringa guttifer). Choắt chân màng lớn – Asian dowitcher (Limnodromus semipalmatus). Cò trắng Trung Quốc – Chinese Egret (Egretta eulophotes).
Một số đặc điểm chính, quan trọng đối với việc lựa chọn nơi đậu của các loài chim ven bờ, gồm: việc tránh bị bắt bởi động vật săn mồi, tránh tác động, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và có nhiều cơ hội để ăn bổ sung.
Việt Nam nằm trên tuyến đường bay di cư Đông Á – Úc. Hàng năm, có nhiều loài chim di cư bay ngang hoặc dừng chân ở các khu vực bãi bồi ven biển.
Các bãi bồi thuộc tỉnh Bến Tre khá quan trọng đối với những loài chim di cư này. Đặc biệt, 2 vùng chim quan trọng thuộc huyện Bình Đại và huyện Ba Tri, với hàng ngàn cá thể chim trú đông hàng năm. Do đó, việc quản lý hệ sinh thái ven biển để bảo tồn chim di cư ven bờ là rất quan trọng.
Cộng đồng quốc tế công nhận
Ghi nhận của ngành chức năng cho thấy, vùng chim quan trọng (IBA) tại huyện Bình Đại và Ba Tri có nhiều loài chim quý hiếm được liệt vào Sách đỏ, trong đó, có loài đang bị đe dọa toàn cầu bậc nguy cấp (EN).
IBA là khu vực có tầm quan trọng quốc tế về bảo tồn các loài chim ở các cấp độ toàn cầu, vùng và quốc gia, dựa trên các tiêu chí đã được cộng đồng quốc tế công nhận. IBA không chỉ quan trọng đối với các loài chim mà còn quan trọng đối với nhiều nhóm động thực vật khác. Hơn thế nữa, nhiều IBA còn có ý nghĩa đối với sức khỏe và kinh tế của con người thông qua việc bảo vệ các lưu vực, điều tiết lũ lụt hoặc là nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên. Ở Bến Tre, có 2 IBA là khu vực bãi bồi thuộc huyện Bình Đại và huyện Ba Tri.
IBA Bình Đại và Ba Tri nằm ở vùng bãi bồi giáp biển. Phần lớn, diện tích bãi bồi là các bãi rộng, với thành phần là bùn hoặc là cát thuộc địa phận của Hợp tác xã Thủy sản nghêu Thới Thuận và An Thủy. Khu vực này chịu ảnh hưởng mạnh của chế độ thuỷ triều. Khi triều rút, các bãi bồi nổi lên và trải rộng ra biển hàng nghìn mét, tạo thuận lợi cho nuôi trồng hải sản.
Bờ biển tương đối khúc khuỷu, bị cắt bởi các cửa sông lớn, có thể chia thành 3 dạng: Từ cửa Đại đến cửa Ba Lai (huyện Bình Đại) là những bãi cát hoặc bãi bùn vươn ra biển từ 3 – 5km; càng về phía biển, phù sa bồi lắng càng dầy hơn. Từ cửa Ba Lai đến cửa Hàm Luông (huyện Ba Tri), bãi biển lúc triều xuống có nơi rộng đến 5 – 8km.
Từ cửa Hàm Luông đến cửa Cổ Chiên (huyện Thạnh Phú), có thể chia thành 2 phần, từ bờ phải Hàm Luông đến mũi Cồn Lợi là vùng đất cát bồi rộng tờ 3 – 5km và từ mũi Cồn Lợi đến cửa Cổ Chiên là bãi cát phù sa bùn vươn ra biển khoảng 2 – 4km.
Do diện tích khu vực biến động theo thủy triều và không có ranh giới rõ ràng nên hiện không đưa ra được một diện tích cụ thể cho khu vực. Phần lớn, diện tích bãi bồi được người dân sử dụng để nuôi nghêu. Hai bãi bồi lớn nhất nằm ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại và An Thủy, huyện Ba Tri, bãi bồi ở huyện Thạnh Phú có diện tích nhỏ hơn và đang bị sạt lở. Bãi bồi cũng là nơi sinh sống và kiếm ăn của các loài chim sống ven biển.
Theo số liệu mới nhất từ mùa di cư 2021 – 2022, có hàng ngàn cá thể đã di cư về các bãi bồi thuộc Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại để trú đông. Mùa di cư 2021 – 2022 ghi nhận được ở bãi bồi Ba Tri 2.923 cá thể vào ngày 29-12-2021, với tổng số loài đếm được 26 loài.
Trong đó, có đến 8 loài được liệt kê vào sách đỏ thế giới. Riêng đối với bãi bồi ở Bình Đại, độ phong phú về các loài chim di cư có xu hướng cao hơn, với 2.280 cá thể được đếm vào ngày 29-4-2022, với tổng cộng 33 loài đã được ghi nhận, trong đó có đến 11 loài sách đỏ. Đặc biệt, loài Rẽ lớn ngực đốm, tập trung với số lượng lớn 780 cá thể. Đây là loài bị đe dọa toàn cầu bậc EN.
Khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ, với tổng diện tích (khu I và II) 47,6ha được tỉnh ra Quyết định số 2179/QĐ-UB về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng “Khu bảo tồn sân chim Vàm Hồ” ngày 21-12-1998.
Hiện đã xác định được 85 loài chim, thuộc 33 họ và 8 bộ. Số lượng cá thể chim, cò, trong khu vực lên đến hàng chục ngàn, trong đó, chiếm đa số là cò trắng, cò ngàng nhỏ, cò ruồi, vạc, quắm trắng, diệc xám, cổ rắn…
Qua ghi nhận thực tế cho thấy, sân chim Vàm Hồ không chỉ là nơi kiếm ăn và sinh sống của các loài chim ở Bến Tre, mà còn là cái nôi sinh sản an toàn duy nhất của các loài chim nước trong toàn tỉnh. Mùa sinh sản kéo dài quanh năm và khác nhau tùy theo loài.
Các khu vực sinh sản có đến hàng trăm tổ chim sinh sản cùng lúc. Số lượng chim có khuynh hướng đông hơn vào mùa di cư từ tháng 10 đến tháng 4. Do số lượng cá thể tập trung khá lớn, thức ăn bên trong khu vực không đủ cung cấp cho toàn bộ các cá thể đang cư ngụ, các loài chim trong khu vực có xu hướng bay đến các vùng lân cận để kiếm ăn vào sáng sớm và quay về sân chim để trú ẩn vào buổi chiều muộn.
Điều này xảy ra ngược lại đối với loài vạc (Nycticorax nycticorax). Việc đi xa để kiếm ăn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị săn bắt, đặc biệt là ở các khu vực đồng ruộng và nuôi trồng thủy sản…
IBA Bình Đại và Ba Tri, hàng năm có hàng ngàn cá thể chim trú đông. Các hoạt động săn bắt chim diễn ra khá thường xuyên tại đây. Hình thức săn bắt chính là sử dụng lưới mờ để bẫy chim.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã liệt kê các đe dọa liên quan đến bảo tồn IBA như: các hoạt động trồng rừng ngập mặn trên các bãi bồi làm thay đổi sinh cảnh kiếm ăn của các loài chim di cư ven biển. Đê biển làm thay đổi dòng chảy gây ra xói mòn và bồi tụ ở một số khu vực làm xáo trộn hệ sinh thái địa phương. Rác thải từ biển dạt vào đất liền gây ô nhiễm môi trường sống của các loài chim di cư ven biển.
Đối với các khu vực rừng ngập mặn thì hiện trạng mất sinh cảnh là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học của các loài chim nơi đây.
Phần diện tích rừng ngập mặn liên tục bị thay thế bởi các hoạt động lấn chiếm đất rừng để canh tác như: đào ao nuôi tôm, nuôi trồng hải sản, trồng trọt hoa màu. Hoạt động săn bắt chim bằng các công cụ tự chế như: ná thun, nỏ, súng cồn diễn ra khá phổ biến ở các vùng nông thôn.
Hoạt động giăng lưới bẫy chim trong các khu vực canh tác để bảo vệ mùa màng cũng làm chết khá nhiều chim. Hoạt động sử dụng thuốc trừ sâu và diệt cỏ trong các khu vực canh tác làm chim bị nhiễm độc và chết.
Quá trình nghiên cứu các loài chim hoang dã tại tỉnh, các chuyên gia cho biết: Những sinh cảnh triều cường nhân tạo do con người tạo ra như: các ao nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối rất quan trọng đối với cộng đồng địa phương về kinh tế và sinh kế.
Các chuyên gia cho rằng, ngành chức năng và chính quyền địa phương có thể quản lý những nơi nói trên để mang lại lợi ích cho các loài chim ven bờ mà không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất. Sự hiện diện của loài chim trong môi trường sống nhân tạo có thể cung cấp thêm cơ hội cho các cộng đồng địa phương, bằng cách cung cấp các cơ hội cho du lịch sinh thái hoặc giáo dục thiên nhiên tại những địa điểm này.
Qua các kết quả điều tra được tập hợp trong hơn 20 năm qua cho thấy, số lượng lớn các loài quý hiếm cần được bảo vệ thường xuyên xuất hiện trong khu vực Vùng chim quan trọng Bình Đại và Ba Tri vào mùa di cư như: rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus), rẽ lớn ngực đốm (Calidris tenuirostris), choắt chân màng lớn (Limnodromus semipalmatus), rẽ mỏ cong hông nâu (Numenius madagascariensis)…
Thạch Thảo (Báo Đồng Khởi)
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới