Biến sinh viên thành đại bàng
Mở đầu bài phát biểu tại Chương trình “Chia sẻ văn hóa đọc và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, trong khuôn khổ của sự kiện, đại biểu, các em học sinh, sinh viên hãy coi ông là “Bác Xích Lô” thay vì là một vị tư lệnh ngành.
Những gì ông chia sẻ trong không gian của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) ngày 14/7, là từ một người đam mê và liên tục động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên ngành nông nghiệp duy trì thói quen đọc sách.
“Tại sao một nửa của 13 là 8”, Bộ trưởng giơ cao một trong 4 cuốn sách mang tới Hội trường Trung tâm VNUA và nhắc lại câu hỏi nhiều lần. Dừng một lát, ông cắt nghĩa, rằng phải chăng tác giả suy nghĩ vậy vì “sáng tạo”, “không sợ sai”, và “có những người sẵn sàng đi cùng”.
“Khởi nghiệp với sinh viên có lẽ cũng cần 3 yếu tố ấy”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ và nói thêm, rằng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên không chỉ kết thúc là giải thưởng mà phải hướng đến thị trường, thương mại hóa được sản phẩm.
Để làm được điều ấy, lãnh đạo Bộ NN-PTNT coi ý tưởng là khâu quan trọng nhất. Ý tưởng có thể xuất hiện từ mọi nơi, thậm chí từ những chỗ mà chúng ta không thể ngờ. Muốn có ý tưởng, ông nhắn nhủ thế hệ trẻ phải luôn “biến mình thành trẻ thơ” để “tò mò” và “liên tục đặt câu hỏi”.
Sau khi có ý tưởng rồi, sinh viên cần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và không đi theo lối mòn định sẵn để biến ý tưởng thành hành động. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, ngành nông nghiệp đang gặp chung một vấn đề, là có quá nhiều sản phẩm tương đồng. Làm người nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong ngành, vì thế càng khó khăn hơn.
Nếu muốn tránh tình trạng nghiên cứu mấy năm trời, khi ra sản phẩm lại thấy thị trường bán từ lâu, người đứng đầu Bộ NN-PTNT kêu gọi sinh viên phải lập ra một “hệ sinh thái khởi nghiệp”, ở đó có người hướng dẫn, đồng nghiệp, nhà đầu tư… – những người sẵn sàng sống chết tới cùng với ý tưởng.
Đó là một điều khó, theo Bộ trưởng. Dù vậy, ông cho rằng đấy không phải dây trói cho các ý tưởng. Thay vì nghĩ ra làm một cái mới, chưa từng có, sinh viên khởi nghiệp có thể đi từ những kế hoạch đơn giản hơn như tạo ra được sản phẩm tốt hơn những gì hiện có.
Từ lúc biến ý tưởng thành một sản phẩm hữu hình, có ích cho xã hội, Bộ trưởng Lê Minh Hoan xem trọng nhiệm vụ của nhà trường, bởi đây là nơi gần gũi nhất giáo dục và kết hợp cho sinh viên lý thuyết với thực tế, cũng như kích hoạt những giá trị mới, những giá trị tăng thêm cho ý tưởng.
“Nếu chúng ta muốn thế hệ mai sau trở thành những con đại bàng thì ngay từ bây giờ lãnh đạo nhà trường, các bộ môn, thầy cô phải hiểu mục tiêu của mình, là sinh viên ra trường là những con đại bàng”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Ông cũng kêu gọi việc bỏ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là thành tích, thi đua, mà cần xây dựng thành phong trào, thậm chí đưa khởi nghiệp trở thành một hoạt động chính khóa.
Sự gắn kết giữa khởi nghiệp và văn hóa đọc
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cho biết, ngoài thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, những năm qua cán bộ, giảng viên và sinh viên VNUA luôn coi việc đọc không chỉ là một phần của chương trình nghiên cứu, đào tạo, học tập mà còn là công cụ quan trọng để tất cả cùng cập nhật kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy sáng tạo.
Theo bà Lan, không những tăng thời lượng, văn hóa đọc cần phải được quan tâm theo hướng đa dạng hóa. Ngoài những cuốn sách chuyên ngành, sinh viên cần tìm hiểu thêm về các vấn đề quản lý kinh tế, thương mại, kinh doanh, công nghệ, giao tiếp… nhằm mở rộng hiểu biết và phát triển những kỹ năng mềm cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
“Chương trình hôm nay không đơn thuần gói gọn trong phạm vi một hội nghị mà còn có ý nghĩa như là một sự kiện văn hóa để đưa văn hóa đọc song hành cùng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo”, bà Lan nói và nhấn mạnh thêm, rằng cán bộ, viên chức, giảng viên, sinh viên VNUA cần nâng cao nhận thức về sách, đọc sách góp phần trau đồi tri dồi tri thức, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về một “ngày hội sách gắn với khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo” trong cộng đồng xã hội.
Là một trong bốn trường đại học đầu tiên được thành lập trên cả nước, VNUA đã và đang xây dựng khoảng 100 phòng đọc, với khoảng 50.000 sách in, sách số, tạp chí và kết nối với 100 học liệu tiên tiến trên thế giới. Nhiều CLB sinh viên đọc sách được thành lập, với sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tặng sách về thư viện.
Bên cạnh đó, Học viện cũng đẩy mạnh hoạt động tặng sách, chia sẻ sách cho cộng đồng, phát triển các tủ sách nông thôn trong các chương trình tình nguyện của sinh viên.
Với sự quan tâm của Bộ NN-PTNT, trực tiếp là Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các sảnh phòng chờ, phòng làm việc, giảng đường, nhà làm việc, phòng thực hành, phòng nghiên cứu, ký túc xá… của VNUA đã có các tủ sách đa dạng. “Người VNUA có thể tiếp cận với sách ở bất cứ nơi đâu”, GS. Lan bày tỏ.
Dịp này, VNUA cũng ra mắt “Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và Đổi mới sáng tạo của Học viện. Qua thực tế tại cơ sở, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, không gian này sẽ là khởi điểm để sinh viên cảm thấy học như chơi, đồng thời nuôi dưỡng thêm đam mê khởi nghiệp.
Theo Bộ trưởng, văn hóa đọc sẽ tạo nên thứ nguyên liệu quý giá mang tên tri thức để mỗi sinh viên “nhào nặn” một cách sáng tạo, từ đó tìm ra những ý tưởng khác nhau. Cũng thông qua việc đọc sách, bản thân mỗi sinh viên sẽ tự biết cách “định vị mình” trong thế giới công nghệ bùng nổ hiện nay. Thay vì thụ động trước thông tin và tri thức, sinh viên có thể chủ động tìm kiếm những cuốn sách hay, phù hợp để trau dồi tri thức và cảm nhận sự tinh tế của từng trang sách.
Coi văn hóa đọc là nền tảng để sinh viên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận: “Chỉ khi nào biết đặt câu hỏi thì mới nảy ra ý tưởng. Mỗi câu hỏi là một khởi đầu của tri thức. Hy vọng các em sinh viên bước vào mỗi nhà trường với thật nhiều câu hỏi. Cần tiếp tục đặt câu hỏi và sự học không bao giờ có dấu chấm hết cả. Đó là trách nhiệm không chỉ của các thầy cô mà còn là nhiệm vụ của cả quốc gia”.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) hy vọng, sinh viên VNUA nói riêng và cả nước nói chung đang đam mê khởi nghiệp nâng cao tinh thần làm việc nhóm. Đặc biệt, luôn phải đau đáu với vấn đề làm thế nào “bán được” sản phẩm và nâng cao hơn nữa nguồn vốn mang tên “tri thức” cho doanh nghiệp.