Nhấc chiếc xô đầy xác côn trùng chết đổ đi, vị giám đốc hợp tác xã bảo: ‘Những con này đã được máy điểm danh rồi, nông dân hết thời phải vạch lá tìm sâu’.
Tranh thủ mưa vừa dứt, tôi theo chân anh Lê Văn Tâm, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Nha Sáp (xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) ra thăm hệ thống giám sát côn trùng thông minh được đặt giữa cánh đồng. Hệ thống này được bảo vệ kỹ lưỡng trong khung sắt có khóa chắc chắn. Mặc dù chỉ chiếm diện tích khoảng 2m2 trên bờ ruộng nhưng hệ thống giám sát sâu rầy thông minh này được xem là “mắt thần” giúp nông dân quản lý hiệu quả sinh vật hại cho hàng trăm, hàng ngàn ha lúa.
Mở cửa sắt bảo vệ, Giám đốc Hợp tác xã nông dân Nha Sáp – anh Lê Văn Tâm nhấc ra chiếc xô nhựa bự chứa đầy xác các loại công trùng đã chết khô để đổ đi, giải thích: “Những con côn trùng này được hệ thống giám sát dẫn dụ bay vào và đã được điểm mặt, chỉ tên. Với hệ thống này, nông dân chúng tôi đã hết thời cực khổ phải lặn lội ra tận đồng ruộng, vạch lá tìm sâu”.
Nhờ sử dụng năng lượng mặt trời và có ắc quy dự trữ, hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Rynan có thể đảm bảo duy trì vận hành liên tục trên diện rộng như ruộng lúa, rau màu, khu trồng trọt canh tác diện tích lớn và không phụ thuộc vào lưới điện quốc gia.
Nói xong, vị giám đốc trẻ cùng vài xã viên mở máy điện thoại ra xem và giải thích: “Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân có thể dễ dàng theo dõi sâu, rầy có trên ruộng và xác định được chính xác thời điểm cần phun thuốc bảo vệ cây trồng mà không phải lội ra tận cánh đồng như trước đây. Những công việc này đã được hỗ trợ hiệu quả bởi hệ thống giám sát côn trùng thông minh”.
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh như cái bẫy dẫn dụ thu hút các loại côn trùng bay vào để kiểm đếm và đưa ra cảnh báo thay vì nhà nông phải ra đồng vạch lá tìm sâu. Nằm giữa cánh đồng, khi đêm xuống, hệ thống này khá nổi bật với các loại đèn màu, từ xanh dương, xanh lá cây, ánh sáng trắng, đến màu tím của đèn UV… Những gam màu sẽ thay đổi liên tục để dẫn dụ sâu rầy đang có trên đồng ruộng bay vào. Cứ sau 30 phút, hệ thống sẽ tự động vệ sinh bẫy đèn để tiếp tục cập nhật dữ liệu mới.
Tương tự, tại Hợp tác xã Nông nghiệp nông dân Tân Hòa (xã Bàn Tân Định, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cũng được đầu tư hệ thống giám sát côn trùng thông minh để quản lý dịch hại.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Giám đốc Hợp tác xã cho biết, đơn vị có diện tích sản xuất rất lớn với hơn 1.000ha, được phân thành 2 khu. Sản xuất lúa 3 vụ/năm nên việc quản lý đồng ruộng, nhất là quản lý dịch hại trong suốt mùa vụ tốn rất nhiều công sức.
Từ năm 2023, Hợp tác xã Tân Hòa được ngành nông nghiệp hỗ trợ đầu tư hệ thống giám sát côn trùng thông minh, đến nay đã qua 3 vụ sản xuất lúa, cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. Hệ thống hoạt động giám sát đồng ruộng liên tục, cập nhật thông tin lên mạng, chỉ cần cài đặt phần mền trên điện thoại di động là nông dân có thể theo dõi mọi lúc, mọi nơi.
Theo đó, hệ thống này có thể giám sát được hầu hết các loại sâu, rầy gây hại lúa, phân biệt được đâu là thiên địch, đâu là sinh vật gây hại. Từ số lượng côn trùng bị thu hút vào máy, phần mền sẽ phân tích hình ảnh, phân loại, đưa ra mật số trên m2. Khi mật số tăng lên đạt ngưỡng, hệ thống sẽ cảnh báo để nông dân biết được chính xác thời điểm cần phun xịt thuốc. Nhờ đó, việc phòng trừ dịch hại đạt được hiệu quả, giúp giảm được từ 2 – 3 lần phun/vụ, giảm chi phí đầu tư và bảo vệ môi trường.
Hệ thống giám sát côn trùng thông minh là sản phẩm của Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam (có trụ sở tại Trà Vinh), được ứng dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo để tự động xác định, thống kê số lượng, mật độ và phân loại chủng sâu rầy. Máy có thể phân tích xem loại côn trùng nào có lợi hay có hại và phân tách ra, giúp cán bộ ngành nông nghiệp và nông dân dễ dàng nhận biết.
Ngoài giám sát sâu rầy, hệ thống thông minh này còn được tích hợp thêm các tính năng về dự báo thời tiết như theo dõi được tốc độ gió, hướng gió, nhiệt độ, ẩm độ hằng ngày, giúp ích cho nhà nông trong nông vụ.
Trước đây, để giám sát sâu bệnh trên cây lúa, cán bộ ngành nông nghiệp phải lội ruộng cùng nông dân vạch lá tìm sâu hoặc dùng bẫy đèn đốt vào ban đêm để thu hút côn trùng bay vào. Đến sáng, cán bộ nông nghiệp phải lội ra tận nơi đặt bẫy để thu gom và cẩn thận kiểm đếm từng con, xác định từng loại một. Sau đó phải vào sổ, làm thông báo gửi đi để khuyến cáo nông dân.
Khi hệ thống giám sát côn trùng thông minh được sử dụng, đã thay thế hoàn toàn việc theo dõi thủ công hàng đêm của cán bộ kỹ thuật nghiệp bằng bẫy đèn, vừa giảm công sức lao động, vừa hạn chế sai sót qua các khâu trung gian như kiểm đếm, nhận diện, ghi chép dữ liệu… Hơn nữa, dữ liệu được truyền trên thiết bị điện thoại thông minh nên rất dễ dàng truy cập và quản lý, giúp công tác dự báo, khuyến cáo của ngành chuyên môn đến với nông dân trở nên nhanh chóng và kịp thời.
TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, những năm qua, ngành nông nghiệp đã đầu tư, hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp lắp đặt được 8 hệ thống giám sát côn trùng thông minh ở các địa phương. Qua thời gian sử dụng đã mang lại những hiệu quả tích cực, giúp ngành nông nghiệp dự báo chính xác tình hình sâu bệnh, khuyến cáo nông dân phòng trừ hiệu quả, bảo vệ mùa mang. Từ đó, năm 2024, tỉnh tiếp tục đầu tư thêm 8 hệ thống nữa để mở rộng địa bàn sản xuất nông nghiệp được giám sát bằng thiết bị số thông minh.
Ngoài Kiên Giang, nhiều tỉnh, thành khác ở ĐBSCL như Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ… cũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát côn trùng thông minh để theo dõi đồng ruộng, phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, đã có hàng chục hệ thống được đầu tư hoặc tài trợ để lắp đặt ở khắp các địa phương, mở rộng địa bàn được giám sát.
Hiện nay, hệ thống giám sát côn trùng thông minh của Rynan đã có khả năng nhận diện được khoảng 120 loài côn trùng khác nhau như rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng, bướm sâu cuốn lá, bướm sâu đục thân, bướm sâu keo mùa thu, bọ xít, kiến ba khoang… Tuy nhiên, các kỹ sư ở Rynan vẫn tiếp tục “dạy” cho hệ thống cập nhật thêm, nhất là khi được lắp đặt ở những địa phương khác, có những loài côn trùng chưa được nhận diện. Với những loại côn trùng chưa biết, nhóm nghiên cứu sẽ trao đổi với Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật) để nhận diện và liên tục cập nhật dữ liệu.
Từ đó, ngành nông nghiệp các địa phương có thể truy cập thông tin về tình hình sâu, rầy trên đồng ruộng nhằm chủ động đưa ra những khuyến cáo, giải pháp xử lý trong sản xuất lúa, hoa màu và các loại cây trồng khác, góp phần nâng cao chất lượng nông sản, giảm chi phí đầu tư, giảm công chăm sóc và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Hiện nay, hệ thống giám sát côn trùng thông minh tiếp tục được các kỹ sư của Rynan cải thiện, nâng cao tính năng hoạt động. Ngoài các loại côn trùng thích ánh sáng đèn thì cần nghiên cứu các chất dẫn dụ để thu hút thêm những loài côn trùng khác vào bẫy để nhận diện. Từ đó, mở rộng đối tượng cũng như địa bàn giám sát của hệ thống trong sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái.
Đ.T.Chánh – Trọng Linh
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới