Giữa mùa mưa ở Tây Nguyên, đến thăm vùng dự án bạt ngàn màu xanhcao-susát biên giới với Campuchia, Lào, chúng tôi dễ bắt gặp không khí lao động hăng hái, vui tươi của công nhân lao động nỗ lực thi đua nước rút khai thác mủ cao-su những tháng cuối năm. Công nhân vui là vì giá mủ cao-su đang phục hồi, thu nhập tăng thêm. Vui là vì trải nghiệm qua thời gian, công nhân đã thấu hiểu chính mảnh đất này và cây cao-su đã mang đến cho gia đình họ cuộc sống ổn định, đủ đầy.
Cao-su xen buôn làng, tạo sinh kế cho đồng bào
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc mở rộng diện tích cao-su từ vùng trồng truyền thống Đông Nam Bộ lên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Tổng cục Cao-su Việt Nam (sau này làTập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam-VRG) bắt đầu triển khai các dự án cao-su trên vùng đất ba-zan với phần lớn diện tích nằm ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới giáp hai nước bạn Lào và Campuchia.
Vườn cây cao-su xanh tốt của Công ty Cao-su Chưmomray giáp biên giới nước bạn Campuchia. |
Đến nay, VRG đã có 12 đơn vị thành viên đứng chân trên địa bàn năm tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng với tổng diện tích là 64.000ha, đưa Tây Nguyên thành vùng chuyên canh cao-su lớn thứ hai cả nước.
Thực tế chứng minh tính đúng đắn của chủ trương đầu tư vì trên những vùng đất hoang sơ, các dự án cao-su đã hình thành các thôn, buôn, xã nông thôn mới, thị trấn, thị tứ dân cư đông đúc, trù phú. Đặc biệt, hành trình xây dựng và phát triển các công ty cao-su trên đất Tây Nguyên giúp đổi thay đời sống nhiều hộ nghèo người dân tộc Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng và cả người Mường, Thái… đến từ các tỉnh phía bắc miền trung.
Tiếp chúng tôi trong tại trụ sở văn phòng khang trang của Công ty Cao-su Chư Sê tại thị trấn Chư Sê (tỉnh Gia Lai), ông Lê Đức Hân, Tổng Giám đốc Công ty nhớ lại hành trình 40 năm trước, khi chưa có trụ sở, đoàn cán bộ “mở đường” trên vùng đất mới đầy khó khăn, thách thức, phải ở nhờ nhà tạm của Cơ quan Quân sự huyện Chư Sê.
Hồi đó, trên vùng đất đỏ Bazan ẩn chứa đầy vết tích của chiến tranh, các buôn, làng người đồng bào dân tộc thiểu số còn hoang sơ, bọnFulrovẫn lẩn khuất trong buôn, làng, rồi cả nỗi lo bệnh sốt rét nơi “rừng thiêng, nước độc”. Nhưng bất chấp mọi khó khăn, vất vả ban đầu, cán bộ, công nhân của đoàn vẫn bám trụ làm vườn ươm cao-su, chuẩn bị cây giống cho mùa trồng mới.
Bằng tâm huyết, công sức và trí tuệ, với những bàn tay lao động cần cù, sáng tạo của người lao động, công ty đã hình thành những cánh rừng cao-su rộng lớn hơn 7.500ha cao-su trải dài trên 34 buôn, làng tạo sinh kế cho hàng nghìn người đồng bào dân tộc thiểu số.
Công nhân chế biến mủ cao-su tại Công ty Cao-su Chư Sê. |
Ông Lê Đức Hân cho biết: “Công ty ưu tiên hàng đầu tuyển dụng nguồn lao động tại chỗ là dân đồng bào trong các buôn làng có dự án cao-su. Với phương châm đặt con người là trọng tâm trong mọi hoạt động, công ty chú trọng xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi cho người lao động”.
Tương tự, Công ty Cao-su Kon Tum là đơn vị có diện tích vườn cây lớn nhất ngành cao-su tại khu vực Tây Nguyên với gần 10.000ha, tạo công ăn việc làm cho 5.500 công nhân và hộ; trong đó, lao động là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá lớn là 3.943 người (chiếm 71,6% tổng số lao động).
Ông Nguyễn Hữu Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cao-su Kon Tum chia sẻ, với đặc điểm hoạt động của công ty trải rộng trên 7 huyện, thành phố tỉnh Kon Tum, vườn cây đan xen khắp các buôn làng nên tạo việc làm thuận lợi cho người dân tại chỗ, phù hợp với phong tục tập quán của người dân địa phương. Diện tích cao mở rộng nhanh giúp người dân có việc làm và thu nhập ổn định từ đất đai quanh buôn làng.
“Nghề cao-su vốn lạ lẫm với người dân Kon Tum 40 năm trước, nay đã dần trở thành một ngành nghề truyền thống bởi đã có nhiều thế hệ trong gia đình (ông bà, con, cháu) liên tiếp trồng cao-su”, ông Nguyễn Hữu Lợi nói.
Công nhân chế biến mủ cao-su tại nhà máy Công ty Cao-su Kon Tum. |
Với nỗ lực không ngừng, Cao-su Kon Tum có 12 năm liên tiếp là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn VRG. Sản lượng cao-su khai thác hằng năm đạt từ 10.000 đến 15.000 tấn, dẫn đầu các công ty thuộc Tập đoàn VRG tại khu vực Tây Nguyên và tốp 5 của VRG.
Nhiều năm liền công ty vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác, về đích trước thời gian từ 20-50 ngày. Thu nhập bình quân của người lao động trong 5 năm trở lại đây đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng, ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, năm 2023 thu nhập bình quân của người lao động đạt trên 9 triệu đồng/người/tháng.
Chuyện lo chốn “an cư” và những căn nhà tiền tỷ
Có vườn cây cao-su tiếp giáp với biên giới nước bạn Campuchia, hai đơn vị là Công ty cao-su Chưmomray, Công ty cao-su Sa Thầy nằm trên địa phận tỉnh Kon Tum đã sớm triển khai những giải pháp căn cơ, chủ động lo chỗ ở cho công nhân tuyển dụng ở xa đến làm việc. Chính sách này giúp hình thành những khu dân cư trù phú chỉ dành riêng cho công nhân cao-su.
Đưa chúng tôi khảo sát một vòng quanh các vườn cây cao-su nằm sát biên giới nước bạn Campuchia, ông Trần Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty cao-su Chưmomray tự hào chia sẻ, nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, công ty từng gặp tình cảnh thiếu lao động. Tuy nhiên, bằng những giải pháp nhất quán và thiết thực, trong những năm gần đây, công ty đã ổn định lao động, không còn phải đi “tìm người”.
Giải pháp mà ông Thịnh đề cập chính là việc công ty phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch 7 điểm dân cư dành cho công nhân ở nơi khác đến. Ngoài khu nhà tập thể công ty bố trí khi công nhân mới vào làm việc ở, công ty giới thiệu cho mỗi công nhân 1.000m2đất để xây nhà riêng. “Để thu hút và giữ chân được công nhân, việc tuyên truyền chỉ là một phần, nếu không lo được thu nhập, chăm sóc sức khoẻ y tế, trường học và đặc biệt là có chỗ ở thì rất khó có người vào làm lâu dài với mình. Dù to, hay nhỏ, công nhân nào cũng mong muốn có một căn nhà riêng cho mình”, ông Trần Xuân Thịnh đúc kết.
Ông Trần Xuân Thịnh (Thứ 2 từ trái qua) – Tổng Giám đốc Công ty cao-su Chưmomray thăm nhà ở công nhân của công ty. |
Ngoài việc cấp đất, công ty còn có chính sách cho công nhân tạm ứng tiền 30-70 triệu đồng để xây dựng nhà. Trong 3 năm qua, chủ trương này tỏ rõ tính hiệu quả. Đến nay, công ty có hơn 400 công nhân từ nơi khác đến đã có nhà, có hộ khẩu. Nhiều công nhân đến trước, có thời gian gắn bó lâu dài với công ty, có nương rẫy trồng thêm cà-phê, sầu riêng.
Có tích luỹ, nhiều công nhân xây lên những căn nhà đẹp, khang trang từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Những khu nhà công nhân đẹp đẽ đã góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Vùng dự án Công ty cao-su Sa Thầy nằm giáp biên giới Campuchia nên ngay từ khi triển khai chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang rừng trồng cao-su, công ty đã xác định việc phát triển cao-su nhằm tạo sinh kế cho người dân phát triển kinh tế vừa là bảo đảm an ninh quốc phòng. Do đó, công ty chú trọng bảo đảm chăm lo đời sống, nhất là chỗ ở cho người lao động.
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cao-su Sa Thầy cho biết: “Khi triển khai dự án, ngoài lực lượng lao động là đồng bào dân tộc tại chỗ, công ty tuyển dụng lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc từ vùng núi huyện miền núi Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa).
Từ khi đồng bào vào đây, công ty cấp đất cho mỗi người trung bình 1000m2đất, trong đó có hơn 200m2đất thổ cư để công nhân yên tâm trên vùng đất mới. Nhờ có thu nhập tốt, trung bình năm 2023 là 9,7 triệu đồng/người/tháng, hiện công nhân có mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Vào khu dân cư công nhân của Công ty cao-su Sa Thầy, ai cũng trầm trồ nhìn căn nhà mới khang trang, hiện đại gia đình công nhân Hà Văn Cư (người Thái) làm việc ở Nông trường Bãi Lau vừa mới xây.
Tiếp chúng tôi, anh Cư niềm nở cho biết, căn nhà này được xây dựng gần 1 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hai vợ chồng chắt chiu, tiết kiệm sau thời gian hơn 10 năm trời làm công nhân cao-su.
Công nhân Hà Văn Cư cùng vợ, con trước ngôi nhà vừa xây trị giá khoảng 1 tỷ đồng. |
Anh Cư kể, năm 2012, anh cưới vợ, nhưng ở vùng quê xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá, hai vợ chồng chỉ làm nông nghiệp, cuộc sống bấp bênh. Mong muốn tìm cơ hội mới, cũng năm đó, anh đưa vợ cùng vào làm công nhân tại Công ty cao-su Sa Thầy khi vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết, trồng mới cao-su. Từ năm 2014, khi vườn cây đi vào khai thác, thu nhập công nhân cũng khá hơn. Hiện, thu nhập từ công việc cạo mủ của hai vợ chồng anh Hà vào khoảng 20 triệu đồng/tháng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi cùng chồng và ba người con, chị Nguyễn Thị Thùy, quê ở huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Vào làm Công ty cao-su Sa Thầy từ năm 2008, chị Thùy phải nếm trải bao khó khăn, phải ăn uống nhờ vào nước suối, ở trong lán trại tạm bợ, bệnh sốt rét rừng hoành hành. Năm 2010, công ty xây dựng dãy nhà ở cho công nhân an tâm làm việc.
Gia đình công nhân Nguyễn Thị Thùy trong ngôi nhà khang trang xây dựng cách đây 3 năm. |
Từ năm 2014, khi những dòng mủ đầu tiên trên vườn cây của công ty được khai thác cũng là lúc đời sống công nhân có nhiều thay đổi. Ngoài lương, gia đình chị Thùy còn có thêm nguồn thu từ trồng tiêu, điều trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm. Nhờ đó, gia đình có kinh phí nuôi 3 con ăn học đầy đủ và tích lũy tiền xây căn nhà trị giá 850 triệu từ năm 2021.
Nguyện gắn bó với cao-su
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá cao su phục hồi, tình hình xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi, các doanh nghiệp tăng doanh thu, lợi nhuận. Công ty cao-su Chưmomray cho biết, tính đến 30/9/2024, công ty đạt tổng doanh thu 210 tỷ (vượt 20% kế hoạch năm 2024), lợi nhuận 44 tỷ (vượt 7% kế hoạch).
9 tháng năm 2024, Công ty cao-su Sa Thầy đạt tổng doanh thu 236,2 tỷ, lợi nhuận trước thuế 54,6 tỷ đồng; thu nhập bình quân 8,1 triệu đồng/người /tháng.
Trong khi đó, Công ty cao-su Ea H’leo đạt tổng doanh thu hơn 221 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch năm và cao hơn 28% so cùng kỳ năm 2023. Tổng lợi nhuận thực hiện 69,18 tỷ đồng, vượt 36% kế hoạch năm và cao hơn 61% so cùng kỳ năm 2023.
Ông Lê Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cao-su Ea H’leo, cho biết: “Xuất khẩu cao-su của công ty hiện đang thuận lợi, giá cao hơn năm 2023 khoảng 10 triệu đồng. Nhờ đó, công ty có điều kiện chăm sóc tốt hơn đời sống người lao động, lương lao động của người lao động liên tục tăng”.
Công nhân chế biến mủ cao-su xuất khẩu tại Công ty cao-su Ea H’Leo. |
Công nhân ngoài lương cao còn có chế độ chăm lo khác, theo tính toán công ty Ea H’Leo có 10 khoản chế độ khác nhau chăm lo cho đời sống công nhân. Vừa rồi, công ty cho 90 công nhân lao động xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ ra ngoài miền bắc du lịch.
Gặp chị Đoàn Thị Ngọc Lan đang khai thác mủ cao-su trên Nông trường Ea Khal Công ty cao-su Ea H’Leo, chị chia sẻ: “Tôi thuộc thế hệ công nhân thứ hai trong gia đình. Tôi thay mẹ làm công nhân cho công ty đến nay đã được 15 năm rồi. Công việc ở đây ổn định, lương tháng 8,4 triệu đồng. Nhờ đó, tôi có tiền nuôi hai con đang học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cao-su giúp thay đổi cuộc sống gia đình nên tôi nguyện còn gắn bó lâu dài công việc này”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Lê Anh Tuấn tỏ ra tâm đắc chia sẻ thông tin, ngoài thu nhập từ tiền lương, công nhân còn phát triển kinh tế hộ gia đình như: trồng cao-su, cà-phê, trái cây các loại, chăn nuôi gia súc gia cầm…
Thu nhập từ nguồn này từ 120-170 triệu đồng/năm. Do đó, có nhiều hộ gia đình công nhân khá và giàu, nhiều công nhân xây nhà tiền tỷ, mua ô-tô đi lại. Đời sống công nhân khấm khá hơn đã góp phần quan trọng cùng địa phương bảo đảm an sinh xã hội.
Cuộc sống ổn định, công nhân gắn bó làm việc lâu dài tại Công ty cao-su Ea H’Leo. |
“Với chính sách chăm lo cho lao động rất tốt nên công nhân đều yên tâm gắn bó với công việc lâu dài. Hiện có rất nhiều người muốn xin vào làm việc, nhưng công ty không còn chỗ tuyển mới”, ông Lê Anh Tuấn nói.
Giờ đây, chứng kiến sự “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin… phủ khắp các buôn, làng trên ở Tây Nguyên mới thấy ý nghĩa vai trò dẫn dắt và tiếp sức của các dự án cao-su trên mảnh đất nghèo bom cày, đạn xới thuở trước.
Hơn 12.000 công nhân đang gắn bó, làm việc lâu dài trong các công ty cao-su, phần lớn là người dân tộc thiểu số, có quyền tự hào đã chung tay kiến thiết xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc…