Để con tôm nuôi phát triển tốt, tránh các dịch bệnh, nhiều hộ nuôi tôm chuyên canh ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đã hạn chế việc thả nuôi tôm quanh năm mà chuyển đổi hình thức nuôi 2 vụ tôm kết hợp nuôi 1 vụ cá (thường là cá dứa-cá đặc sản). Mô hình này cho thu nhập cao.
Nuôi tôm nước lợ được xem là nghề truyền thống của bà con trên địa bàn xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).
Nhờ nghề này mà đời sống của nhiều hộ gia đình khấm khá. Tuy nhiên, để con tôm nuôi phát triển tốt, tránh các dịch bệnh thường gặp do ảnh hưởng từ môi trường, nhiều hộ nuôi chuyên canh đã hạn chế việc thả nuôi tôm quanh năm mà chuyển đổi hình thức nuôi 2 vụ tôm kết hợp nuôi 1 vụ cá trong năm. Mô hình này cho thu nhập cao.
Một trong những hộ nuôi cá đặc sản-nuôi cá dứa trong ao nuôi tôm đem lại hiệu quả cao điển hình của xã Lịch Hội Thượng là ông Trần Ngọc Hải.
Qua tìm hiểu được biết, ông Hải gắn bó “nghề nuôi tôm nước lợ” hơn 10 năm qua và ông nuôi tôm bằng ao đất lót bạt, có hố xiphông, với 9 ao nuôi tôm, tổng diện tích 1,5ha. Dù bố trí các ao nuôi tôm bài bản nhưng tôm nuôi vẫn bị các dịch bệnh tấn công như: phân trắng, hoại tử gan tụy cấp… dịch bệnh trên tôm một phần do môi trường nước tác động.
Do đó, ông Hải thực hiện việc cải tạo môi trường nước bằng cách nuôi 1 vụ cá trong ao nuôi tôm. Tính riêng đợt nuôi cá, (nuôi cá dứa-một loại cá đặc sản) năm 2021 đã đem về nguồn lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ nuôi.
Theo thông tin ông Hải chia sẻ, trong năm 2022, 2 vụ nuôi tôm nước lợ được xem là mùa vụ thành công, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng.
Sau đợt thu hoạch tôm tháng 6/2022, ông Hải tận dụng nguồn nước nuôi tôm để thả 30.000 con cá dứa, ương dưỡng trong ao ương, qua 60 ngày thì thả xuống ao nuôi.
Tính đến thời điểm hiện tại, cá dứa đã được 6 tháng tuổi, ước trọng lượng tầm 300 – 500gram/con. Cá dứa nuôi khoảng 12 tháng sẽ cho trọng lượng hơn 1kg, thời điểm này có thể xuất bán, nhưng giá cá bán sẽ tốt hơn khi cá đạt trọng lượng tầm 2,5kg trở lên.
Do đó, hộ nuôi thường nuôi cá dứa từ 18 tháng – 24 tháng mới bán, cá dứa đạt trọng lượng 2,5kg – 3,5kg, giá bán cá hơn 180.000 đồng/kg. Số lượng 30.000 con cá dứa thả nuôi, tỷ lệ hao hụt 50%, đến thu hoạch sản lượng cá thu về tầm 60 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Hải phấn khởi cho biết: “Nuôi cá dứa nhẹ công chăm sóc, giá thức ăn của cá thấp hơn so với giá thức ăn tôm; cá cho ăn 2 lần/ngày, còn tôm phải cho ăn thường xuyên và liên tục, phải kiểm tra môi trường ao nuôi 10 phút – 20 phút/lần và phải chạy quạt oxy cho ao nuôi tôm hầu như 24/24 giờ.
Còn nuôi cá dứa không cần phải kiểm tra, chỉ đến giờ cho cá ăn xem cá ăn tốt hay không để phát hiện ra những bất thường trên cá, kịp thời xử lý ngay.
Cá dứa nuôi không cần chạy quạt nhiều, thời điểm mưa nhiều hay ban đêm nhiệt độ xuống thấp mới chạy quạt tạo oxy trong ao. Chi phí đầu tư nuôi cá thấp, cá ít dịch bệnh, đặc biệt là sau vụ nuôi cá nước ao nuôi được cải tạo rất tốt. Vì vậy, khi thả tôm nuôi, tôm hạn chế các dịch bệnh, lớn nhanh, cho năng suất tốt”.
Anh Trần Minh Hiếu, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) cho rằng nhờ nuôi cá dứa-một loại cá đặc sản bán đắt tiền trong ao nuôi tôm đã góp phần cải tạo nước trong ao nuôi tôm, giúp tôm ít gặp các dịch bệnh. Ảnh: THÚY LIỄU.
Cũng là hộ nuôi cá đặc sản trong ao tôm, anh Trần Minh Hiếu, xã Lịch Hội Thượng tâm tình: “Tôi có tổng diện tích nuôi tôm nước lợ 7ha, trong đó đã chuyển diện tích 4ha nuôi tôm sang nuôi cá (trong vụ 3). Tôi thả nhiều giống cá trong ao nuôi như: cá kèo, cá chốt, cá đối, cá dứa… mỗi loại cá được bố trí nuôi 1 ao riêng biệt nhằm tạo điều kiện cho cá sinh trưởng tốt nhất.
Hiện cá đã hơn 5 tháng tuổi, đang phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. Riêng với con cá kèo, tôi thả nuôi 2 ao, số lượng 20.000 con giống, đã thu hoạch xong 1 ao và ao còn lại thu hoạch cuối tháng 12/2022, ước tổng sản lượng 2 ao nuôi tầm 4 tấn cá, trừ chi phí lợi nhuận 60 triệu đồng/6 tháng nuôi”.
“Còn cá dứa đã đạt trọng lượng trên 1kg, có thể xuất bán được nhưng tôi duy trì nuôi đạt trọng lượng trên 2kg mới xuất bán. Các loại cá khác tầm tháng 3/2023 là đạt trọng lượng bán ra thị trường. Hầu hết các loại cá tôi phát triển nuôi trong ao tôm là cá có giá trị kinh tế cao, thị trường ưa chuộng.
Tôi quyết định nuôi cá là vì các loại cá trên đều có “tác dụng riêng” trong việc cải tạo môi trường trong ao nuôi tôm, để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm mới. Dự tính số lượng cá nuôi trong ao tôm sẽ bán dứt điểm vào tháng 4/2023, thu về số tiền hơn 300 triệu đồng” – anh Minh Hiếu chia sẻ thêm.
Đồng chí Trần Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Lịch Hội Thượng (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) thông tin, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn xã hơn 1.200ha, chủ yếu là con tôm nuôi nước lợ.
Trước giờ, bà con nuôi tôm nước lợ quanh năm, thường thả nuôi tôm từ 2 – 4 vụ/năm, tùy vào hình thức nuôi (nuôi công nghệ cao, nuôi ao lót bạt, ao đất…). Mặc dù nuôi tôm đem lại lợi nhuận tốt tại hộ nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là các loại dịch bệnh trên tôm, khi nuôi tôm liên tục các vụ trong năm.
Do đó, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn xã đã chuyển sang nuôi 1 vụ cá trong ao nuôi tôm, đã phần nào cải thiện môi trường ao nuôi tôm và vùng nuôi tôm tại địa phương. Với con cá nuôi, nhất là con cá dứa có giá trị kinh tế cao nên bà con có thu nhập rất tốt từ nuôi con cá này.
Tới đây, địa phương tổ chức tuyên truyền hộ dân về hình thức thả nuôi cá trong ao nuôi tôm hay nuôi cá kết hợp chung nuôi tôm, để hộ dân có thêm lựa chọn mô hình nuôi xen canh ao tôm phù hợp, đảm bảo môi trường sống của tôm nuôi cũng như thu nhập của hộ nuôi thủy sản.
Cách nuôi cá đặc sản trong ao nuôi tôm của hộ ông Hải, ông Hiếu cho thấy lợi ích đem lại rất nhiều, vừa cải thiện môi trường nuôi tôm vừa tăng thu nhập cho hộ nuôi tôm.
Với mô hình trên, hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh có thể nghiên cứu áp dụng thực hiện, để có mùa vụ nuôi tôm thành công và phát triển “nghề nuôi tôm” bền vững.
Thúy Liễu (Báo Sóc Trăng)
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn