06:28:57 21/11/2024

Chung sức xây dựng nông thôn mới_top

Chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới

GS.TS. Lê Ngọc Hùng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Ở Việt Nam, chính sách an sinh xã hội là một bộ phận cấu thành của chính sách xã hội, chính sách công về xã hội. Từ góc độ khoa học có thể xem xét chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới như là quá trình nghiên cứu, xây dựng và thực thi chính sách nhằm góp phần bảo đảm phúc lợi xã hội, bảo trợ xã hội, phát triển con người và phát triển xã hội bền vững ở nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn.

Quan điểm của Đảng về xây dựng nông thôn mới và hệ thống an sinh xã hội

Xây dựng nông thôn mới là một nội dung cơ bản trong quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn từ trước đến nay. Nghị quyết số 26/TƯ/2008 ngày 05-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã xác định rõ một số quan điểm đối với vấn đề “tam nông” như sau: Nông dân là chủ thể của sự phát triển; Xây dựng nông thôn gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị là căn bản; Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp là then chốt.

Nghị quyết số 26/TƯ/2008 xác định một trong các mục tiêu tổng quát về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, đó là mục tiêu xây dựng nông thôn mới với những đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường bền vững. Nghị quyết viết: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Ðảng được tăng cường”.

Nghị quyết vạch rõ một mục tiêu cụ thể về nông thôn mới là phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Để thực hiện mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Đó là: “Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng, chú ý các xã còn nhiều khó khăn ở miền núi, biên giới, bãi ngang, hải đảo”.

Đối với an sinh xã hội, Nghị quyết đề rõ nhiệm vụ và giải pháp là “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn” chứ không đơn giản là thực hiện chính sách giảm nghèo hay chung chung là chính sách cải thiện đời sống. Cụ thể là: tiếp tục thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo, chăm sóc trẻ em dưới 6 tuổi, thực hiện chế độ cứu trợ đối với hộ thiếu đói, vùng khó khăn, cấp học bổng cho học sinh nghèo, cận nghèo. Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo đảm mức sống tối thiểu cho cư dân nông thôn. Rà soát, giảm thiểu các khoản đóng góp có tính chất bắt buộc đối với nông dân. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ cơ sở.

Như vậy có thể thấy Nghị quyết của Đảng đã vạch rõ mục tiêu xây dựng nông thôn mới và xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, đồng thời chỉ ra nhiệm vụ và biện pháp cụ thể là triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí (cụ thể, phù hợp), trong đó việc xây dựng kết cấu hạ tầng đi trước một bước so với các tiêu chí khác.

An sinh xã hội trong Chương trình hành động của Chính phủ

Ba tháng sau khi có Nghị quyết số 26/TƯ/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26/TƯ/2008 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Chính phủ xác định mục tiêu thứ tư trong năm mục tiêu của Chương trình hành động của Chính phủ là hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chương trình hành động của Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ triển khai xây dựng mới ba chương trình mục tiêu quốc gia trong đó ở vị trí thứ nhất là xây dựng nông thôn mới với một loạt những nội dung chính.

Về xây dựng các nhóm đề án chuyên ngành, Chương trình hành động của Chính phủ xác định 7 nhóm đề án để các bộ, ngành thuộc Chính phủ tùy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng. Trong đó có nhóm đề án thứ tư ghi rõ nội dung là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn với nhiều nội dung cụ thể như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và cuối cùng là “thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.

Về xây dựng các đề án đến năm 2020, Chương trình hành động của Chính phủ xác định nhiệm vụ xây dựng 36 đề án, trong đó có một đề án số 15 là “Đề án xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho dân cư nông thôn (trong đó có xây dựng mức sống tối thiểu cho dân cư nông thôn). Đề án này được giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng và trình Chính phủ vào quý II năm 2009 để Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành. Gắn liền với chính sách xã hội trong xây dựng nông thôn mới còn có ba đề án khác, cụ thể là: “Đề án phát triển y tế nông thôn (Bộ Y tế), đề án “Cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao” (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) và “Đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở khu vực nông thôn” (Bộ Xây dựng).

Như vậy là, triển khai quan điểm của Đảng về xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, Chính phủ đã chỉ ra và xúc tiến thực hiện một trong các nội dung của đề án xây dựng nông thôn mới là “thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.

An sinh xã hội trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới

Gần 6 tháng sau khi có Nghị quyết số 24/28/CP, ngày 16-4-2009 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Bộ tiêu chí này được ban hành làm căn cứ để xây dựng nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia, căn cứ để chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới và căn cứ để kiểm tra, đánh giá công nhận các địa phương đạt nông thôn mới.

Bộ Tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (2009) được thiết kế một cách hệ thống gồm ba cấp nông thôn mới. Đó là cấp xã nông thôn mới với 19 tiêu chí, cấp huyện nông thôn mới với 75% số xã trong huyện đạt nông thôn mới và cấp tỉnh nông thôn mới với 80% số huyện trong tỉnh đạt nông thôn mới. Mười chín tiêu chí xã nông thôn mới được phân chia thành năm lĩnh vực, cụ thể như sau:

(i) Quy hoạch có một tiêu chí (1) Quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

(ii) (ii) Hạ tầng kinh tế – xã hội có 8 tiêu chí là: (2) Giao thông, (3) Thủy lợi, (4) Điện, (5) Trường học, (6) Cơ sở vật chất văn hóa, (7) Chợ nông thôn, (8) Bưu điện, (9) Nhà ở dân cư.

(iii) Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí: (10) Thu nhập, (11) Hộ nghèo, (12) Cơ cấu lao động, (13) Hình thức tổ chức sản xuất.

(iv) Văn hóa – xã hội – môi trường có 4 tiêu chí: (14) Giáo dục, (15) Y tế, (16) Văn hóa, (17) Môi trường.

(v) Hệ thống chính trị có 2 tiêu chí: (18) Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh, (19) An ninh, trật tự xã hội.

Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã phản ánh được chủ trương của Đảng là xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đi trước một bước. Trong 5 lĩnh vực và 19 tiêu chí, lĩnh vực quy hoạch với một tiêu chí và lĩnh vực hạ tầng kinh tế – xã hội với 9 tiêu chí chiếm vị trí hàng đầu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới.

Tiêu chí về an sinh xã hội. Rà soát các tên gọi của 19 tiêu chí với 39 nội dung tiêu chí không thấy từ ngữ “an sinh xã hội”. Tuy nhiên, nội dung tiêu chí (10) thu nhập, tiêu chí (11) hộ nghèo, tiêu chí (14) giáo dục và tiêu chí (15) y tế chứa đựng những yếu tố của chính sách an sinh xã hội theo nghĩa rộng. Ví dụ, tiêu chí (10) thu nhập có nội dung “thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của tỉnh” với chỉ tiêu chung và các chỉ tiêu theo vùng (7 vùng). Tiêu chí (11) hộ nghèo có nội dung “tỷ lệ hộ nghèo” với các chỉ tiêu chung và các chỉ tiêu theo vùng. Cả hai nội dung tiêu chí này đều là những nội dung cơ bản của chính sách an sinh xã hội. Tương tự, ba tiêu chí “cơ cấu lao động”, “giáo dục” và “y tế” có nội dung liên quan tới chính sách an sinh xã hội về tạo việc làm, đào tạo nghề, giáo dục tối thiểu và bảo hiểm y tế. Tiêu chí (14) giáo dục có nội dung phổ cập giáo dục tiểu học tức là cung cấp dịch vụ giáo dục tối thiểu. Tiêu chí y tế có nội dung “tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế” tức là có nội dung an sinh xã hội về bảo hiểm y tế.

Trong các tiêu chí nêu trên, chỉ có tiêu chí hộ nghèo trực tiếp phản ánh nội dung an sinh xã hội theo nghĩa hẹp và được hướng dẫn thực hiện theo kiểu lồng ghép. Ngày 21-8-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra Thông tư số 54/2009/TT-BN&PTNT Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới với những hướng dẫn cụ thể về nội dung và phương pháp xác định tiêu chí để các địa phương chỉ đạo xây dựng, phát triển nông thôn mới. Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn sử dụng bốn văn bản chính sách để triển khai thực hiện tiêu chí hộ nghèo.

An sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới

Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020. Chương trình này nhằm mục tiêu chung về cơ bản là mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, chỉ thêm bớt một vài từ ngữ để cụ thể hóa trong giai đoạn 2010 – 2020. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Chính phủ xác định là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng.

Chương trình này gồm 11 nội dung trong đó nội dung 4 có tên gọi là “Giảm nghèo và an sinh xã hội” với mục tiêu là đạt yêu cầu tiêu chí số 11 “hộ nghèo” của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Nội dung “giảm nghèo và an sinh xã hội” lại có 3 nội dung chi tiết là: (i) thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững cho 62 huyện có tỉ lệ nghèo cao (Nghị quyết 30a của Chính phủ) theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; (ii) tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; (iii) thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Hai nội dung chi tiết về giảm nghèo nêu cụ thể một số chính sách về giảm nghèo. Nhưng nội dung thứ ba vẫn chung chung và do vậy có lẽ là quá rộng lớn bao gồm “các chương trình an sinh xã hội”.

Về thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới

Chính sách an sinh xã hội theo nghĩa rộng là hệ thống các quan điểm, quyết định, chương trình hành động, thông tư hướng dẫn hành động về bốn nhóm nội dung như sau: (i) lao động, việc làm, thu nhập và giảm nghèo, (ii) bảo hiểm xã hội bao gồm cả bảo hiểm y tế; (iii) trợ giúp xã hội bao gồm cả chính sách đối với người có công và trợ giúp thường xuyên, trợ giúp đột xuất cho những người trong hoàn cảnh khó khăn và (iv) các dịch vụ xã hội cơ bản gồm giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường, trợ giúp pháp lý). Nhưng trong xây dựng nông thôn mới chính sách an sinh xã hội chủ yếu và trực tiếp gắn với tiêu chí giảm nghèo. Nội dung tiêu chí này có nhắc đến việc “thực hiện các chương trình an sinh xã hội” nhưng không nêu rõ chương trình nào, chính sách nào hay tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể nào về an sinh xã hội. Do vậy, các báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ít khi thậm chí hầu như không thấy nói đến kết quả cụ thể của thực hiện chính sách an sinh xã hội trong khi có nêu kết quả thực hiện tiêu chí hộ nghèo và thu nhập.

Trên phạm vi quốc gia, Báo cáo của Chính phủ cuối năm 2015 cho biết, tất cả 16 chương trình Mục tiêu quốc gia trong đó có Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn 2011 – 2015 và công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% năm 2010 dự kiến xuống còn dưới 5% năm 2015 (bình quân giảm 2%/năm) theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015. Tính đến tháng 3-2016 cả nước có 1.761 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 19,7%. Đến tháng 9-2016, đã có 2.045 xã chiếm 23% đạt tiêu chí nông thôn mới, có 24 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Về tiêu chí hộ nghèo: tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.

Ở địa phương, các báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các tỉnh đều cho thấy các địa phương đã hoàn thành tiêu chí thu nhập và giảm nghèo, nhưng không thấy thông tin chi tiết về việc thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ví dụ: tỉnh Trà Vinh đã tăng mức thu nhập chung của cả tỉnh từ 4,59 triệu đồng/người năm 2010 lên 24,06 triệu đồng/người năm 2015 và 51/85 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; đồng thời tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,47% năm 2010 xuống còn 7,66%, có 37/85 xã đạt tiêu chí giảm hộ nghèo (Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Trà Vinh, năm 2016). Tỉnh Lâm Đồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 12,6% năm 2010 xuống còn dưới 2% năm 2015, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm nhanh từ trên 50% xuống còn dưới 6% (Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, năm 2015). Tỉnh Ninh Bình giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,3% năm 2011 xuống còn 3,7% năm 2015, tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 9,24 triệu đồng/người năm 2011 lên 22,24 triệu/người năm 2015 (Ban Chỉ đạo chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, năm 2015).

Một số vấn đề từ góc độ khoa học chính sách xã hội

Từ góc độ khoa học chính sách xã hội có thể thấy an sinh xã hội ở Việt Nam bao gồm nhiều thành phần với những mối quan hệ phức tạp đặc trưng cho giai đoạn chuyển đổi. Vấn đề đặt ra ở đây là để bảo đảm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới cần nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận khoa học để trên cơ sở đó nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chí, chỉ tiêu về an sinh xã hội.

Một số vấn đề khác đã được nêu ra trong báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2015. Trong đó nổi bật vấn đề thứ nhất liên quan trực tiếp đến chính sách an sinh xã hội. Đó là một số địa phương chỉ tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng công trình, trụ sở, nhà văn hóa, trường học… mà chưa chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất, chưa chú trọng nâng cao thu nhập, mức sống của người dân và chưa chú trọng xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện trong các báo cáo tổng kết: trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới có tiêu chí giảm nghèo, nhưng hầu như không nói rõ về kết quả thực hiện chương trình, chính sách an sinh xã hội, mặc dù nội dung số 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2009 đã ghi rõ là “Giảm nghèo và an sinh xã hội”. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012 – 2015 xác định rõ mục tiêu cụ thể là thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo, trước hết là về y tế, giáo dục, văn hóa, nước sinh hoạt, nhà ở; người nghèo tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Vấn đề nữa là tình trạng nợ đọng của các xã xây dựng nông thôn mới: trên phạm vi cả nước có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền hơn 15.200 tỷ đồng trong đó có 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Khu vực phía Bắc có số nợ đọng lớn nhất chiếm tới 75,3% tổng số vốn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới của cả nước. Rất có thể những địa phương nợ đọng là do quá tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mà chưa chú trọng thực hiện các chương trình an sinh xã hội.

Từ thực trạng chính sách và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2016 có thể thấy chính sách an sinh xã hội nói riêng và hệ thống an sinh xã hội nói chung được chú trọng chưa đúng mức trong xây dựng và triển khai thực hiện. Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã đặt nhiệm vụ xây dựng hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đều có nội dung “giảm nghèo và an sinh xã hội”. Nhưng có lẽ vẫn còn thiếu chính sách cụ thể về tiêu chí, chỉ tiêu và thiếu hướng dẫn thực hiện các nội dung tiêu chí, chỉ tiêu an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới.

Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01-6-2012 “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đánh giá cao những thành tựu của chính sách xã hội đồng thời chỉ ra một loạt yếu kém của của chính sách an sinh xã hội cần khắc phục trong thời gian tới. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội được đánh giá là chưa đồng đều và thiếu bền vững, ví dụ, còn tình trạng tái nghèo, tái mù chữ, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp, chênh lệch các chỉ số an sinh xã hội còn cao giữa các vùng miền, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Từ Nghị quyết số 15-NQ/TW có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm để từ đó có thể đổi mới, hoàn thiện chính sách và tìm ra các biện pháp hiệu quả thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đó là: (i) chính sách an sinh xã hội là mục tiêu, là động lực để xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững, do vậy các chính sách kinh tế cần phải gắn với chính sách an sinh xã hội ở nông thôn; (ii) chính sách an xã hội phải được thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; (iii) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đồng thời huy động sự tham gia sâu rộng của toàn xã hội và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; (iv) xây dựng chiến lược, chương trình hành động về an sinh xã hội dựa trên bằng chứng khoa học với các mục tiêu, nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng thời làm tốt công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận cao và tham gia sâu rộng trong xã hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 xác định 3 mục tiêu cụ thể trong đó mục tiêu 1 là tăng thu nhập bình quân của hộ nghèo và giảm tỷ lệ hộ nghèo; mục tiêu 2 là thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội trong giảm nghèo (y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở…) và mục tiêu 3 là kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, trong mục các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2015 chỉ xác định được một chỉ tiêu giảm huyện nghèo, xã nghèo, một chỉ tiêu tăng thu nhập của hộ nghèo và còn lại sáu chỉ tiêu cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội.

Việt Nam hiện đang đồng thời thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hai nghĩa của khái niệm. Nghĩa rộng gồm các chương trình giảm nghèo, các chương trình điều tiết thị trường lao động và các chương trình khác. Nghĩa hẹp chỉ bao gồm các khoản trợ cấp bằng tiền, lương hưu, trợ cấp và khoản khác. Nhưng ngay cả nghĩa hẹp về an sinh xã hội cũng có xu hướng mở rộng và phức tạp về cả nội dung chi trả và nguồn chi trả cho các chính sách an sinh xã hội.

Theo nghĩa hẹp, cấu trúc tổng chi an sinh xã hội của Việt Nam bao gồm bốn khoản như sau: (i) các khoản trợ cấp bằng tiền gồm phúc lợi trợ cấp bằng tiền hằng tháng, trợ cấp đột xuất trong trường hợp thảm họa thiên tai; trợ cấp cho người có thu nhập thấp; trợ cấp tiền điện (kể từ năm 2011); (ii) phúc lợi bảo hiểm xã hội bao gồm lương hưu trong đó có lương hưu cho những người nghỉ hưu trước tháng 7-1995 (do ngân sách nhà nước chi trả) và lương hưu cho những người nghỉ hưu sau tháng 7 năm 1995 (do Bảo hiểm Việt Nam chi trả), (iii) trợ cấp cho người có công với cách mạng; (iv) miễn phí thủy lợi: đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm Việt Nam quản lý (kể từ năm 2009), hỗ trợ công chức làm việc tại các vùng khó khăn (kể từ năm 2011), hỗ trợ xây dựng công trình ngăn lũ, tái định cư các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số (kể từ năm 2009); hỗ trợ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội ở khu vực nông thôn (kể từ năm 2009); trợ cấp cho các xã biên giới với Lào và Cam-pu-chia (kể từ năm 2009); hỗ trợ xây dựng nông thôn mới (kể từ năm 2010), hỗ trợ sản xuất, nuôi trồng thủy sản ở hải đảo (kể từ năm 2010).

Như vậy, ngay cả trong nghĩa hẹp thì an sinh xã hội cũng bao gồm cả hợp phần chương trình giảm nghèo, hợp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và hợp phần xây dựng nông thôn mới. Tổng chi an sinh xã hội theo nghĩa hẹp này chiếm 4% GDP và không thay đổi trong giai đoạn 2007 – 2011, trong đó “phúc lợi bảo hiểm xã hội gồm lương hưu” luôn chiếm quá nửa mặc dù có giảm từ mức 2,7% xuống còn 2,3%, trợ cấp cho người có công giảm từ 1% xuống còn 0,9%, các khoản trợ cấp bằng tiền tăng gấp đôi từ 0,2% lên 0,5% và các khoản khác tăng gấp ba từ 0,1% lên 0,3% trong giai đoạn 2007 – 2011. Thực tế này càng cho thấy mô hình hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam rất phong phú, đa dạng và phức tạp, đặc trưng cho thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường đòi hỏi phải được cụ thể hóa bằng các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể mới có thể triển khai thực hiện có hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới.

Tóm lại, mục tiêu, nội dung tiêu chí và chỉ tiêu về an sinh xã hội được nêu chưa thật rõ ràng và trực tiếp trong chính sách xây dựng nông thôn mới. Việc hướng dẫn thực hiện, kết quả thực hiện và các báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chính sách an sinh xã hội cho thấy các chính sách này chưa được ngang tầm với yêu cầu đặt ra. Do vậy từ góc độ khoa học chính sách xã hội hiện đại cần tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các biện pháp thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời cần tăng cường thu thập, xử lý, phân tích và công bố các dữ liệu về an sinh xã hội ở nông thôn mà hiện nay còn rất thiếu để cung cấp các bằng chứng khoa học cho việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện chính sách và thực hiện có hiệu quả cao chính sách an sinh xã hội trong xây dựng nông thôn mới nhanh và bền vững trong giai đoạn tới./.

—————————————————————

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 26 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. NQ 26/TƯ/2008. Ngày 05-8-2008; Nghị quyết số 15-NQ/TW “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” ngày 01-6 -2012; Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cộng sản Việt Nam.

(2) Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

(3) Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21-08-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

Theo tapchicongsan.org.vn

Vương Đinh Huệ
Văn bản ban hành

LĂNG THÀNH- YÊN THÀNH ĐÓN BẰNG CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO.

1541/QĐ-UBND

Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025

318/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

1563/QĐ-UBND

Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025

320/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

319/QĐ-TTg

Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025

263/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

18/2022/QĐ-TTg

Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

24/2020/NQ-HĐND

Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025

211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn


Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Xem bình chọn

Loading ... Loading ...
Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây