Trời đã đổ nghiêng về gần cuối chiều mà nắng trên đồng vẫn còn ương lắm, cái nóng vẫn đang hầm hập. Gạt mồ hôi trên mặt, ông Hoàng Hải Đàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) nói trong niềm vui: “Vụ hè thu này thời tiết khá thuận lợi, sâu bệnh cũng ít nên cây lúa trên đồng phát triển tốt. Khi vào thu hoạch, hạt lúa vàng sáng nhìn sướng mắt lắm. Hiện giá lúa đang cao nên bà con có lãi khoảng 25 triệu đồng mỗi ha” – ông Đàn cho hay.
Giá lúa lên mỗi ngày
Cánh đồng ngoài xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh) rộng ngút tầm mắt. Xe tải chở lúa chạy ở cuối cánh đồng nhìn cũng chỉ nhỉnh hơn nắm tay. Lúa trên đồng chín rực vàng, đầu cánh đồng máy gặt chạy xuôi, giữa đồng máy gặt chạy ngược. Cánh đồng cuối làng, hai máy gặt hùng hục chạy như đuổi nhau, chốc chốc dừng lại sát con đường cho người phụ xe hất những bao lúa đầy, nặng lên bờ ruộng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lượng (xã Hàm Ninh) có trên 1ha lúa đang vào gặt rộ. Ông bảo: “Vụ hè thu năm nay bà con dễ làm hơn mấy vụ trước. Tuy có nắng gắt kéo dài mấy trận nhưng do đủ nước tưới nên cây lúa cũng không hề hấn chi. Thêm nữa, sâu bệnh cũng không thấy xuất hiện nên bà con không phải lo lắng. Nhờ vậy mà lúa năng suất cao nhất so với mấy năm gần đây. Ruộng nhà tôi cũng như bà con trong vùng cũng phải đạt khoảng 60 tạ/ha”.
Cũng theo ông Lượng, đầu vụ, bà con gặt sớm và bán lúa tươi ngay tại ruộng giá được “sáu lăm” (tức 6,5 triệu đồng/tấn). Qua tuần sau đã lên “sáu tám”. “Mấy hôm nay nghe thương lái báo qua điện thoại giá lên bảy mươi rồi” – ông Lượng bộc bạch.
Trên sân trụ sở HTX Thống Nhất hay trên những tuyến đường bê tông liên thôn gần như cả ngày đều phủ kín lúa bà con đang phơi.
Bà Nguyễn Thị Mai đội nắng, bịt kín mặt kéo cào đi lại trên thảm lúa để trở cho lúa nhanh khô khén. Cào hết lượt, bà vào trú nắng dươi gốc cây ở sát tường rào. Hỏi chuyện, bà cho hay, gia đình có gần 10ha lúa đang làm các loại gống chủ lực như HN6, TBR97, DV108…
“Mấy hôm nay thương lái về mua lúa khô khén với giá mỗi thúng (13kg) là 120 ngàn đồng. Tính ra giá lúa khô đạt 9,2 triệu đồng mỗi tấn” – bà Mai cho hay. Nhiều bà con cũng tính toán nhanh mỗi ha lúa cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, trừ tất cả chi phí còn lãi khoảng 25 triệu đồng. “Đó là mức lãi cao nhất của vụ hè thu” – bà Mai phấn khởi.
Chúng tôi về huyện Lệ Thủy – địa phương có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Quảng Bình nhưng gieo cấy vụ hè thu chỉ được gần 1.400ha. Hơn 8.100ha lúa vụ đông xuân bà con để lại gốc rạ sau khi gặt làm lúa tái sinh. Đơn vị đang trong tốp dẫn đầu của huyện Lệ Thủy về diện tích gieo cấy vụ hè thu là Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Bồ (HTX Xuân Bồ, xã Xuân Thủy).
Vụ hè thu này, HTX Xuân Bồ gieo cấy trên 112ha. Đến nay, cơ bản bà con đã thu hoạch xong và đang giai đoạn phơi lúa khô khén để cất hay bán theo “lúa ăn” (tức là lúa có chất lượng cao, xay xát thành gạo để ăn hàng ngày chứ không phải dùng chế biến thành bún, bánh hay thực phẩm khác). Theo nhiều bà con, bán lúa cũng theo nhiều cách. Đó là bán lúa tươi tại ruộng vì không có điều kiện phơi, vận chuyển, hoặc bán lúa phơi một ngày nắng hay lúa khô khén (lúa để xay xát thành gạo được).
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc HTX Xuân Bồ cho hay, năm nay lúa đẹp, năng suất bình quân khoảng 55 tạ/ha, đạt cao so với vụ hè thu các năm. “Hiện bà con bán lúa phơi một nắng là 8,6 triệu đồng/tấn. Lúa khô khén là 9,3 triệu đồng/tấn. Theo tính toán thì bà con có lãi khoảng 30 triệu đồng mỗi ha” – ông Dũng chia sẻ.
Năm nay là năm mưa thuận gió hòa của bà con nông dân. Riêng tại HTX Xuân Bồ, vụ đông xuân bà con bội thu với mức lãi hơn 40 triệu đồng mỗi ha. “Nếu tính toán cả hai vụ trong năm thì bà con nông dân chúng tôi chắc chắn có lãi hơn 70 triệu đồng mỗi ha” – ông Dũng nói trong niềm vui.
“Bờ xôi ruộng mật” không còn bỏ hoang
Vùng đồng ngoài của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thống Nhất (HTX Thống Nhất), năm nay gieo cấy gần 250ha. Ông Hoàng Hữu Đàn, Giám đốc HTX cho hay, diện tích bà con đẩy lên tăng 30ha so với vụ hè thu năm ngoái. “Có nghĩa là trên đồng ruộng không còn vùng trống. Tất cả bây giờ là những thửa ruộng lúa chín vàng” – ông Đàn giải thích.
Theo ông Đàn, trước đây bà con bỏ không gieo cấy vụ hè thu vì một số nguyên nhân, trong đó có “sức ép” từ nạn chuột phá hại. Những vụ gần đây, HTX Thống Nhất chú trọng và thực hiện bài bản làm “tường nilon” bao quanh vùng lúa để ngăn chuột vào ruộng, diệt chuột bằng thủ công, đánh bẫy, đánh bả sinh học. Vì vậy việc ngăn chặn chuột phá lúa ngày càng có hiệu quả hơn. Thấy việc thất bát giảm hẳn từ vụ hè thu năm ngoái nên vụ hè thu năm nay bà con đã tăng diện tích gieo cấy.
“Tính trung bình vụ hè thu năm nay mỗi ha lúa cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng, với việc tăng 30ha lúa, bà con nông dân ở HTX Thống Nhất đã có thu nhập tăng thêm hơn 1,5 tỷ đồng”.
Ở huyện Bố Trạch, vào vụ hè thu năm ngoái, diện tích ruộng không gieo cấy, bỏ cho cỏ mọc lên tới gần ngàn ha. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN-PTNT Bố Trạch, sau khi tìm hiểu về nguyên nhân do giá vật tư, phân bón, dịch vụ nông nghiệp tăng, nạn chuột phá hại lúa, doanh nghiệp mua ruộng của dân rồi bỏ không…, Bố Trạch đã có những chính sách động viên, khuyến khích các địa phương, người dân sản xuất vụ hè thu.
“Kết quả thật bất ngờ là vụ hè thu năm nay, về Bố Trạch không còn cảnh “bờ xôi ruộng mật” để cho cỏ dại mọc nữa. Toàn huyện có trên 2.700ha lúa, tăng so với vụ hè thu năm ngoái gần 700ha. Một vụ hè thu ‘thắng lợi kép’ cho bà con nông dân chúng tôi” – ông Nguyễn Cẩm Long nói thêm.
Xã Đại Trạch (huyện Bố Trạch) là địa phương mà vụ hè thu năm ngoái có nhiều ruộng “nhất đẳng điền” bỏ không gieo cấy. Năm nay, đi qua xã Đại Trạch chỉ thấy những đồng lúa vàng rực. Ông Nguyễn Cẩm Long cho chúng tôi hay: “Toàn bộ diện tích gần 500ha lúa của địa phương này đã đưa vào sản xuất và không còn cảnh ruộng bỏ không như trước”.
Vụ hè thu năm nay, các địa phương trong tỉnh Quảng Bình gieo cấy hơn 15.500ha lúa, tăng hơn vụ hè thu năm ngoái trên 1.000ha. Các giống lúa chủ lực được cơ cấu như PC6, HN6, SV181, QC03…
Theo ông Hồ Khắc Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Bình, năng suất vụ hè thu ước đạt khoảng 55 tạ/ha, giữ ổn định ở mức cao như những năm gần đây. Đến nay, các địa phương đã thu hoạch khoảng 50% tổng diện tích và đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, phấn đấu đến cuối tháng 8 cơ bản thu hoạch xong.