Phú Tân là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Cà Mau, bên cạnh lợi thế là vùng chiến lược kinh tế biển, địa phương này còn có tiềm năng lớn về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm.
Đến thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh của gia đình anh Lâm Văn Tích, thành viên HTX Hòa Hiệp ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, đây là một trong những hộ nhận được sự hỗ trợ về vốn của Agribank để đầu tư, nuôi tôm thắng lợi.
Gia đình anh Tích có 2ha nuôitôm siêu thâm canhđang cho hiệu quả kinh tế. Ưu điểm của phương thức này là nuôi được mật độ cao, thời gian ngắn (3 tháng/vụ), nhưng tôm cho kích cỡ tôm lớn, năng suất ổn định từ 20 – 40 tấn/ha.
Tuy nhiên, để triển khai mô hình, hộ nuôi cần quỹ đất rộng để bố trí hệ thống ao nuôi, xử lý nước, chứa nước thải, đảm bảo đạt chuẩn từ nước đầu vào đến đầu ra.
Việc khép kín quy trình nuôi, sẽ giúp tôm hạn chế dịch bệnh và tác động đến môi trường. Đặc biệt, do không sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình nuôi, chất lượng con tôm đảm bảo sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, việc cho tôm ăn cũng phải thực hiện bằng máy tự động để hạn chế thức ăn dư thừa, lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao, giúp tôm phát triển nhanh và đồng đều.
Do đó, để phát triển mô hình, hộ nuôi ngoài việc nắm vững kỹ thuật, phải có nguồn vốn lớn, bởi chi phí đầu tư ban đầu khá cao, khoảng 500 triệu đồng/ha.
Thành công từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã giúp gia đình anh Tích có điều kiện xây dựng lại nhà, trang bị thêm nhiều tiện ích, đồ dụng mới trong gia đình.
“Những năm trước, tôm loại 1 (từ 20 – 22 con/kg) lên đến 290.000 đồng/kg, mỗi ha có thể mang lại lợi nhuận lên đến cả tỷ đồng. Hiện nay, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao nhất, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ xấp xỉ 15%”, anh Tích cho biết.
Hiệu quả của các mô hình nuôi tôm nói chung và nuôi tôm siêu thâm canh nói riêng đã góp phần giúp nâng cao đời sống người dân huyện Phú Tân. Số hộ nghèo đã giảm rõ rệt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Nhờ đó quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng nhiều thuận lợi.
Ông Nguyễn Minh Chương, một hộ dân khác ở thị trấn Cái Đôi Vàm phấn khởi cho biết, nhờ phát triển nghề nuôi tôm, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư, mở thêm dịch vụ mua bán thức ăn cho tôm. Thu nhập nhờ vậy tăng lên đáng kể, kinh tế gia đình khấm khá hơn, có điều kiện cho đứa con lớn đi du học ở Hàn Quốc.
Đặc thù của mô hình nuôi tôm cần nhiều vốn đầu tư, nắm bắt được nhu cầu đó, Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau nói chung và huyện Phú Tân nói riêng luôn ưu tiên dành nguồn vốn, tạo điều kiện để hộ nuôi thực hiện kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế.
Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ của Agribank chi nhánh huyện Phú Tân – Cà Mau đạt trên 1.800 tỷ đồng, trong đó, 99,7% tổng dư nợ dành cho lĩnh vực tam nông.
Ông Nguyễn Phú Hải, Giám đốcAgribankchi nhánh tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị luôn ưu tiên lãi suất cho vay đối tượng nông nghiệp, nông thôn thấp hơn các đối tượng khác từ 4 – 4,5%/năm.
Thời gian tới, Agribank chi nhánh tỉnh Cà Mau tiếp tục kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn vay nhanh chóng, thuận lợi.
Đồng thời, Agribank đảm bảo công khai, minh bạch chính sách, thủ tục hồ sơ, điều kiện cho vay trên cơ sở cải cách, đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng.
Ngoài ra, Agribank tiếp tục triển khai cho vay theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Cung cấp dịch vụ thanh toán trong nông nghiệp, đặc biệt là hàng hóa nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh, thu mua vàxuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh.