Phúc Thọ được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, có điều kiện địa lý tự nhiên, đất đai thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái.
Từ định hướng đó, huyện đang phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, đồng thời đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Nông nghiệp chuyển mình mạnh mẽ
Đến làng Võng Ngoại của xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ bất cứ ngày nào, mùa nào trong năm cũng dễ dàng bắt gặp từng nhóm người trong sân các gia đình, dưới tán cây ven đường làng mải miết nhặt hành, loại bỏ lá già, bó gọn gàng để bán cho thương lái. Những tốp xe tải lớn – nhỏ rộn ràng chở hành đi các chợ của Hà Nội và các tỉnh bạn tiêu thụ. Khoảng 30 năm nay, những thửa ruộng vốn trồng lúa của làng được chuyển sang trồng hành, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương.
Chị Lê Thị Phượng, người dân thôn Võng Ngoại chia sẻ, ở đây, mỗi hộ thường có khoảng 2 – 3 sào trồng hành. Toàn bộ hành được các thương lái về tận ruộng thu mua. Riêng vụ đông, một số hộ trồng thêm hành củ, phục vụ thị trường Tết và phơi khô để tiêu thụ quanh năm. “Hiện chúng tôi đang bán hành với mức giá 30 nghìn đồng/kg, nên trồng hành đạt hiệu quả kinh tế khá cao” – chị Phượng nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên Nguyễn Văn Thắng, hành lá đang trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Võng Xuyên, với 115ha trồng tại 11 thôn. Với diện tích canh tác tập trung, quy mô lớn, Võng Xuyên đang là địa phương có diện tích trồng hành lá lớn của thành phố Hà Nội. Nguồn thu từ cây hành những năm qua đã góp phần nâng cao thu nhập cho bộ phận lớn nông dân địa phương.
Không chỉ với các vùng chuyên canh, nhiều hộ nông dân cũng đã nhanh nhạy với thị trường, chuyển từ trồng cây ăn quả như bưởi, táo truyền thống sang các cây trồng hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Nguyễn Văn Mỡ (xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ) là một trong những hộ điển hình khi quyết định chuyển đổi từ trồng hoa sang trồng nho hạ đen. Hiện tại, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông Mỡ đã được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là sự khẳng định về tiêu chuẩn chất lượng và cũng nhờ đó, việc tiêu thụ nho hạ đen của ông Mỡ rất thuận lợi, sản phẩm không lo đầu ra, thậm chí không có đủ để bán.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, toàn huyện Phúc Thọ có khoảng 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh, 1.002ha cây ăn quả; 3.063ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp); hình thành 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông nghiệp… Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, như bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn rừng của Công ty TNHH Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú…
Đi tới “vành đai xanh”
Được Thành phố quy hoạch là vành đai xanh, huyện Phúc Thọ đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát triển du lịch và nông nghiệp sạch, chất lượng cao. Nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho nhân dân. Toàn huyện đã có 67 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); nhiều sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của quê hương Phúc Thọ, như cà dầm tương (Tam Hiệp), rau muống tiến Vua (Sen Phương), bưởi Tam Vân (Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc), thịt lợn sinh học (Thọ Lộc), thịt lợn rừng (Xuân Đình), chuối (Vân Nam), rau an toàn (Thanh Đa)…
Đặc biệt, gắn với xây dựng nông thôn mới, diện mạo Phúc Thọ ngày càng khang trang, xanh – sạch – đẹp – an toàn; điện, đường, trường, trạm ngày càng được đầu tư, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển. Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, năm 2020, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, các xã Hát Môn, Võng Xuyên đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại để thúc đẩy kinh tế phát triển. Các làng nghề ở Tam Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Hát Môn, Sen Phương, Tích Giang… với các sản phẩm từ nghề may, mộc, chế biến thực phẩm, hoa, cây cảnh đang ngày càng khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường. Huyện được thành phố phê duyệt 6 cụm công nghiệp; trong đó có 4 cụm công nghiệp đã được khởi công, đầu tư xây dựng hạ tầng; 2 cụm công nghiệp đang tiếp tục được triển khai, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân… và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư, tăng thu ngân sách cho huyện một cách bền vững trong những năm tới.
Huyện đã tập trung chỉ đạo rà soát, bổ sung Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; rà soát Đồ án quy hoạch chung xây dựng xã; điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông của huyện, trọng tâm là 13 dự án công trình giao thông trọng điểm, hình thành hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế; dần hình thành các vùng kinh tế trọng điểm của huyện. Trên cơ sở đó, định hướng quy hoạch thành 3 vùng phát triển, là: Vùng nông nghiệp chất lượng cao gắn với du lịch sinh thái; vùng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ; vùng đô thị sinh thái giúp cho kinh tế của huyện phát triển bền vững.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn cho biết, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Phúc Thọ thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm. Huyện cũng chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung và thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đồng thời tiếp tục thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào huyện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…
Minh Phú•
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới
Thông tư của Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Về sữa đổi, bổ sung tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, thể thao xã và thôn