Ông Lê Văn Hiến ở xã Võ Lao (huyện Văn Bàn, Lào Cai) là điển hình làm kinh tế giỏi nhờ nuôi ba ba núi (hay còn gọi là ba ba gai). Ba ba núi có giá khá cao và luôn giữ ở mức ổn định. Trong khi, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng loại đặc sản này.
Nhớ lại thời điểm lên Lào Cai xây dựng kinh tế mới, ông đã chọn vùng núi Võ Lao làm nơi lập nghiệp. Khi đó, ông cũng như nhiều gia đình khác gặp không ít khó khăn, vất vả trong sản xuất nông nghiệp do chưa có kinh nghiệm, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật… Sản xuất, chăn nuôi nhưng vẫn không đủ ăn, nhà cửa thì tạm bợ, thiếu thốn trăm bề.
Không cam chịu cái nghèo đeo bám, ông mày mò học hỏi, tìm hiểu và nghiên cứu thị trường để tìm ra phương án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình cũng như đặc điểm địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Với khoảng 5ha đất, ông quy hoạch 3ha trồng quế, còn lại trồng rau màu và đào ao nuôi cá… Tới năm 2014, khi thấy nhiều bà con dưới xuôi làm giàu từ việc nuôi ba ba, ông mạnh dạn chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế gia đình. Khi được tạo điều kiện vay vốn, ông quyết định đầu tư cả vào nuôi ba ba.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, ông gặp không ít khó khăn, thậm chí thất bại. Song, không vì thế mà ông nản lòng. Được sự động viên của gia đình, ông quyết tâm hơn, đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm, kiến thức chăn nuôi ba ba và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật.
“Qua học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai; trực tiếp đi tham quan mô hình ba ba ở Văn Chấn (Yên Bái) rồi tôi chắt lọc để áp dụng cho mình”, ông Lê Văn Hiến chia sẻ.
Gặt hái thành công bước đầu, ông không dừng lại mà tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích ao, bể nuôi. Hiện nay, ông nuôi ba ba gai và ba ba trơn và cho thấy hiệu quả kinh tế cao.
“Nói chung nuôi ba ba hiệu quả kinh tế hơn nuôi các con khác. Trong khi nuôi cá thịt 1 năm vất vả cắt cỏ, chỉ bán được 5 triệu đồng một tạ, nhưng 1 yến ba ba gai đã được 5 triệu rồi. Còn ba ba trơn cũng phải từ 3-3,5 triệu đồng”, ông Lê Văn Hiến chia sẻ.
Ba ba rất nhạy cảm với nhiệt độ, thời tiết, chất lượng thức ăn. Con đặc sản này chủ yếu ăn động vật phù du, tôm tép, cua, cá… nên thịt rất thơm ngon. Về thời gian sinh trưởng của ba ba, trung bình khoảng 7 tháng, tuy nhiên do nuôi gối nhau nên mỗi tháng gia đình ông đều đặn xuất bán từ một vài yến đến cả tạ ba ba. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, ông còn nhân giống để chủ động trong sản xuất và chia sẻ kỹ thuật, bán con giống cho bà con quanh vùng cùng nuôi để gia tăng thu nhập.
“Trước kia cứ điện thoại vào miền Nam, khi họ gửi ra thì bố con tôi thuê taxi về Nội Bài để lấy. Song gần 5 năm nay, tôi không phải mua nữa. Ba ba tự đẻ, mỗi năm thêm mấy nghìn con nên lúc nào cũng có bán, đồng thời cung cấp con giống cho bà con xung quanh cùng làm”, ông Hiến phấn khởi nói.
Nhờ nuôi ba ba hiệu quả, thu nhập của gia đình ông Hiến qua các năm tăng dần. Trừ chi phí mỗi năm ông để ra được hàng trăm triệu đồng. Cuộc sống dần ổn định, ông mua sắm được các vật dụng phục vụ sinh hoạt gia đình và mua đất cho các con ở riêng sau khi cưới vợ.
Ông Doãn Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Võ Lao (huyện Văn Bàn, Lào Cai) cho hay, mô hình nuôi ba ba của ông Lê Văn Hiến mang lại hiệu quả cao do chủ động được đầu ra, được thương lái thu mua và bán được con giống. Hiện, một số hộ dân học trên địa bàn xã đã tìm hiểu mô hình để học và làm theo.
Huyện Văn Bàn (Lào Cai) hiện có 400ha mặt nước nuôi trồng thủy sản trong đó riêng xã Võ Lao có gần 70ha.