Tốt nghiệp chuyên ngành điện tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Phạm Văn Phước quyết định về quê hương Vĩnh Lộc lập nghiệp sau thời gian ngắn bôn ba ở phố thị. “Với nghề điện, mỗi tháng tôi thu nhập khá cao, thế nhưng sau trừ các loại chi phí, số tiền dành dụm được chẳng đáng là bao. Tôi quyết định về quê lập nghiệp, bởi ở đó có quỹ đất rộng, màu mỡ, phù hợp với làm nông nghiệp đặc biệt là trồng cây ăn quả. Tôi nghĩ, đầu tư vào nông nghiệp, hình thành vùng trồng, tạo thương hiệu cho hàng hóa sẽ là hướng đi bền vững, lâu dài”, Phước chia sẻ.
Khu đồng chiêm trũng Mỹ Xuyên (xã Vĩnh Yên, Vĩnh Lộc) cứ mưa là ngập nên dân chẳng mặn mà cấy cày. Nhận thấy vùng trồng rộng cả chục ha bị bỏ hoang nhiều vụ, Phước bàn với bố mẹ, thuê thầu đất của dân, cải tạo, hình thành vườn trồng cây ăn quả.
Thấy Phước có ý định khác người, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm: “Người dân quanh năm chân lấm tay bùn con không làm được thì thanh niên chưa trải sự đời sao làm nổi mà bày đặt. Chắc cũng chẳng được lâu đâu…”, Phước thuật lại lời người dân khi bắt tay khởi nghiệp.
Bỏ ngoài tai những lời xì xào, bàn tán, năm 2016, sau khi thuê được đất, Phước bắt đầu phát hoang, làm thủy lợi. Mất hơn 1 năm, chàng trai trẻ mới cải tạo xong vùng trồng với chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng.
“Do đồng đất sình lầy, nên tôi gặp khá nhiều khó khăn khi làm thủy lợi. Để có mương thoát nước dài hàng nghìn mét như bây giờ, phải thuê máy móc múc đất, tạo mương sâu gần 2 mét bao quanh chân ruộng. Bên cạnh đó, việc chia luống, làm rãnh thoát nước trong vườn cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức, nhưng nếu không làm thì cả vườn cây ăn quả sẽ bị ngập khi gặp mưa lớn”, Phước chia sẻ.
Song song đó, Phước dành thời gian học hỏi kinh nghiệm từ các chủ vườn và tìm hiểu thông tin, kỹ thuật trồng cây ăn quả từ mạng Internet để bổ sung nguồn kiến thức cho bản thân.
Ban đầu, trên mảnh đất đã cải tạo, Phước trồng hơn 3ha chuối, đu đủ và xen kẽ mít, hồng xiêm. Tuy nhiên do thiên tai gây thiệt hại cộng với giá cả nông sản bấp bênh, tiêu thụ kém, nên sau thời gian ngắn, chàng trai trẻ quyết định phá bỏ vườn, thay đổi cơ cấu cây trồng.
Thời điểm này, tại Thanh Hóa rộ lên phong trào trồng ổi lê Đài Loan, trong khi nhu cầu thị trường khá lớn, Phước quyết định trồng thử nghiệm sau đó nhân rộng vùng trồng lên 7ha. Theo Phước, ổi là cây dễ trồng hơn so với các loại cây khác, ít sâu bệnh, lại có thu nhập quanh năm.
Ngoài ổi, Phước còn trồng thêm hàng trăm gốc táo, bưởi để đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện thu nhập. Với sự đam mê và chịu khó tìm tòi, ham học hỏi, vườn cây ăn quả của chàng trai trẻ ngày càng phát triển xanh tốt và cho thu nhập cao. Sau hơn 5 năm kể từ ngày bắt tay gây dựng, vườn cây của Phước đã cho thu hoạch nhiều vụ với sản lượng hàng tấn quả mỗi năm.
Hiện nay, mỗi năm vườn cây ăn quả rộng chừng 10ha của Phước mang lại thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, Phước thu lãi từ 400-500 triệu đồng và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương. Đặc biệt, vườn ổi của Phước thu hoạch đến đâu thương lái bao tiêu trọn gói đến đó. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh phía Nam. Có thời điểm hái không kịp bán.
“Do chất lượng ổi ngon nên vườn nhà tôi được thương lái đặt hàng từ khi quả bằng đầu đũa. Có ngày hai vợ chồng bán hơn 1 tấn ổi, có thời điểm cháy hàng”, Phước kể.
Theo kinh nghiệm của Phước, để tạo sản phẩm có chất lượng thì bên cạnh việc thường xuyên cắt, tỉa những nhánh cây thừa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả thì người trồng nên dùng các loại phân bón hữu cơ kế hợp vô cơ với tỷ lệ phù hợp để bón cho cây. Đặc biệt, phân hữu cơ giúp cây dễ hấp thụ, chắc khỏe, quả ngọt, thơm đậm đà và không tồn dư hóa chất trong sản phẩm.
“Để ổi và cây ăn trái cho sản lượng cao phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật chăm bón. Quá trình chăm sóc, nếu không bón đúng thời điểm, đủ chất dinh dưỡng cho cây, quả sẽ nhạt và chua”, Phước cho biết.
Trang trại trồng cây ăn quả của Phước hiện nay không khác gì khu du lịch sinh thái. Nhiều người tò mò, tìm đến Phước để học tập kinh nghiệm trồng ổi lê và cây ăn quả. Chàng thanh niên sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình cho nông dân với mong muốn liên kết, mở rộng vùng trồng, nâng cao thu nhập cho bà con.