Ngày 28/10, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng giai đoạn 2026 – 2030.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện đề ántái cơ cấu nông nghiệp(TCCNN) của tỉnh trên tinh thần chủ động, quyết liệt, đến nay ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã có những bước chuyển tích cực, với kết quả nổi bật là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đề án TCCNN của tỉnhĐồng Thápđược triển khai với định hướng chung là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trên cơ sở cơ cấu lại nội bộ ngành, cơ cấu lại lao động. Tăng cường áp dụng khoa học – công nghệ, quy hoạch đồng bộ với kết cấu hạ tầng hiện đại, gắn sản xuất với tiêu thụ trên cơ sở phát huy vai trò của kinh tế hợp tác, liên kết đa dạng. Mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn, phát triển bền vững.
Tỉnh nhất quán 6 quan điểm quan trọng trong thực hiện TCCNN. Thứ nhất, lấy TCCNN làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Thứ hai, TCCNN theo cơ chế thị trường dựa trên các ngành hàng có lợi thế, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về xã hội, môi trường. Thứ ba, Nhà nước làm tốt vai trò kiến tạo, phát triển thông qua đổi mới cơ chế, chính sách, thể chế… tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động. Thứ tư, lấy khoa học – công nghệ và đổi mới quan hệ sản xuất làm động lực tăng trưởng kinh tế nông nghiệp. Thứ năm, sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại hướng về xuất khẩu. Thứ sáu, lấy liên kết sản xuất và tiêu thụ làm trung tâm của quá trình TCCNN.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Địa phương là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở ĐBSCL, qua gần 10 năm triển khai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Rõ nét nhất là việc chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp với mục tiêu “giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến”. Nông nghiệp được xem là nền tảng để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển như cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, động lực chophát triển du lịchvà ngược lại, nông thôn là thị trường tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ công nghiệp.
Điểm đáng ghi nhận nữa là ý thức tự lực, hợp tác của người dân, cộng đồng dân cư ngày càng nâng cao rõ nét. Người dân chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, có nhiều mô hình hay ra đời.
Các mục tiêu, chỉ tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành đúng theo kế hoạch. Các ngành, các cấp tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gắn kết nhiều chương trình, dự án trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đề án cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng dân cư, sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các tổ chức xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là chưa hình thành được chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ để làm gia tăng giá trị ngành hàng. Số lượng HTX thành lập mới trong giai đoạn triển khai Đề án đạt chỉ tiêu đề ra, tuy nhiên đa sốHTXchưa mở rộng các loại hình dịch vụ trong sản xuất, kinh doanh, nguồn nhân lực phục vụ cho các khâu trong chuỗi giá trị còn hạn chế.
Công tác xúc tiến thương mại, dự báo thị trường để định hướng sản xuất và tiêu thụ dù đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Việc tiếp cận các chính sách ưu đãi vẫn còn nhiều bất cập. Công tác phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm thực hiện và phát huy hiệu quả; tuy nhiên, hạ tầng phục vụ vùng sản xuất nông sản, thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ. Đây là trở ngại lớn trong chuyển đổi sản xuất và gián tiếp làm cho giá thành sản xuất còn cao.
Theo ông Nghĩa, Đồng Tháp kỳ vọng sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn khi hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnhchuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Đồng Tháp nghiên cứu xây dựng Đề án tổng thể xây dựng tỉnh “Tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông dân văn minh”.
“Đề án này tích hợp cả nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mới, đó là phát triển mạnh chuỗi giá trị ngành hàng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chuyển đổi số, tạo ra một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, minh bạch, trách nhiệm và thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Do vậy, việc đánh giá chính xác, khách quan kết quả thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đề án trong thời gian tới nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả cao hơn”, ông Nghĩa khẳng định.
Từ định hướng và quan điểm đó, Đồng Tháp lựa chọn các ngành hàng chủ lực để tổ chức tái cơ cấu sản xuất và phát triển là: lúa gạo, cá tra, hoa kiểng, xoài, sen. Đồng thời, tiến hành phân bổ lại lao động nông thôn cho phù hợp với tiến trình tái cơ cấu sản xuất các ngành hàng chủ lực đã đề ra.
Đối với ngành hàng lúa gạo, giá trị sản xuất đến cuối năm 2024 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2020, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng xoài, giá trị sản xuất cả năm 2024 ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62 % tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng hoa kiểng cả năm 2024 ước đạt trên 6.276 tỷ đồng, tăng 34,78% so với năm 2020. Ngành hàngcá tra, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt 8.802 tỷ chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,63% so với năm 2020. Ngành hàng sen, giá trị sản xuất ước đến cuối năm 2024 đạt 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.
Ông Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT góp ý cho tỉnh Đồng Tháp thực hiện đề án xây dựng Đồng Tháp là tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Trước tiên, ông Phát đưa ra, Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững. Đối với cây lúa, cần cải tiến và ứng dụng rộng rãi “1 phải 5 giảm”, giống phải mới trong sản xuất, xử lý rơm rạ.
Sản xuất cây ăn trái, hoa cây cảnh giá trị cao cần hoàn thiện và áp dụng rộng rãi gói kỹ thuật, cải tiến giống và song song đó gắn phát triển nông nghiệp với du lịch miệt vườn. Bên cạnh đó phải tạo ra sản phẩm đặc sắc có giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ mới và phải có chính sách khuyến khích.
Về xây dựng nông thôn hiện đại, cần tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng, phát triển kinh tế nông thôn, phát triển văn hóa, con người; bảo vệ và cải thiện môi trường. Về xây dựng nông dân văn minh, nâng cao nhanh thu nhập, nâng cao chất lượng đào tạo lao động.