Tại buổi gặp mặt khách hàng do Công ty CP Supe phốt phát và hoá chất Lâm Thao tổ chức ở Phú Quốc (Kiên Giang) mới đây, ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, từ đầu năm đến nay, việc sản xuất kinh doanh lĩnh vực phân bón gặp không ít khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào biến động thất thường. Thị trường phân bón có sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất và nhà phân phối cả trong nước và nhập khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để giữ vững thị phần.
Một số quy định mới về môi trường và an toàn lao động đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thích ứng, cần sự đầu tư lớn vào cải tiến công nghệ và quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến mùa vụ và nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân, tạo ra sự không ổn định trong kế hoạch sản xuất và tiêu thụ của các doanh nghiệp.
Bù lại, thị trường nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phân bón. Xu hướng sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón thông minh ngày càng gia tăng, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp bền vững. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong ngành phát triển các sản phẩm mới và chiếm lĩnh thị trường, nhất là bà con lâu nay đều đánh giá cao về chất lượng sản phẩm của Supe Lâm Thao.
Trong 7 tháng từ đầu năm, đại đa số các nhà phân phối lớn của Supe Lâm Thao đều đạt và vượt sản lượng tiêu thụ theo cam kết hợp đồng như Công ty TNHH TM Thủy Ngân, Công ty TNHH MTV DV và TMTH Thanh Sơn, Công ty CP Phùng Hưng, Công ty CP TM Khánh Linh, Công ty CP VT KTNN Bắc Giang…
“Về cơ bản đơn vị đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch 7 tháng đầu năm. Tổng sản lượng tiêu thụ phân bón đạt 446.176 tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 72% kế hoạch tiêu thụ của cả năm, doanh thu đạt 2.712 tỷ đồng và đạt 80% kế hoạch năm” – ông Hồng thông tin.
Có được điều đó là do nhiều năm nay, Lâm Thao luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, đồng thời mỗi năm đều có những nghiên cứu, đổi mới như thay đổi mẫu mã, tung ra sản phẩm mới, cơ chế bán hàng linh hoạt tùy theo mỗi vùng miền.
Đặc biệt, với việc tiên phong ứng dụng công nghệ gắn tem thông minh QR-code để quản lý sản phẩm tồn kho, truy xuất, hướng dẫn sử dụng và quản lý vùng tiêu thụ khi sản phẩm ra thị trường từ ngày 01/01/2021, đã giúp người nông dân thuận lợi nhận biết hàng chính hãng, hàng nhái,… Vì vậy mà hàng sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, nhiều nhà phân phối còn tự bỏ kinh phí ra để làm thị trường cho những sản phẩm mới của Lâm Thao như tổ chức các hội thảo tuyên truyền, tổ chức mô hình, cách sử dụng phân bón hiệu quả…
Supe Lâm Thao được các nhà phân phối, đại lý rất “thích” bởi có cơ chế, chính sách bán hàng, giá bán sản phẩm phù hợp theo từng thời điểm, mùa vụ. Đặc biệt, chính sách chiết khấu bổ sung cho các khách hàng thực hiện tốt hợp đồng, với các tiêu chí tính điểm về thực hiện sản lượng, về thanh toán đúng hạn và phát triển sản phẩm mới nhận được rất nhiều sự ủng hộ, đồng hành của các nhà phân phối. Ví dụ năm 2023, Supe Lâm Thao thực hiện tốt gói tri ân khách hàng bằng chuyến tham quan học tập tại Australia và Trung Quốc.
Năm nay, công ty thưởng chiết khấu bán hàng cho các nhà phân phối tổng số tiền gần 10 tỷ đồng, đồng thời thưởng các chuyến du lịch nước ngoài như đi Mỹ, có đơn vị còn được tới 2 suất.
Còn nhớ, để tri ân khách hàng mua phân bón nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập (năm 2022), Supe Lâm Thao đã tổ chức trao thưởng Vàng SJC cho khách hàng trúng thưởng khi mua sản phẩm phân bón Lâm Thao, thu hút và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bà con nông dân. Nhiều người khi đọc thấy thông tin về chương trình khuyến mại “Quét tem trong, trúng vàng ròng” còn “bán tín bán nghi”, thế nhưng khi mua phân bón trúng 1 chỉ vàng thật, thì ai nấy đều mừng vui, lượng người đến đại lý mua phân bón và quét mã QRcode tăng đột biến.
Tại hội nghị khách hàng tổ chức ở Phú Quốc, chị Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy Ngân (tỉnh Yên Bái) chia sẻ: Những năm gần đây, sản phẩm của Supe Lâm Thao nhận được ủng hộ nhiều hơn hẳn vì chính sách rõ ràng, minh bạch, điều hành giá uyển chuyển, đúng thời điểm, đem lại lợi ích cho cả hai bên là nhà sản xuất và nhà phân phối.
Yên Bái là tỉnh vùng cao, bà con đã quen dùng sản phẩm NPK 5.10.3 truyền thống của Supe Lâm Thao nhưng từ khi có sản phẩm NPK 5.10.3 vi sinh thì còn lan tỏa, tốt hơn nhiều. Nhờ vậy mà sản lượng tiêu thụ phân bón của Công ty Thủy Ngân đã đạt hơn 10.000 tấn so với cùng kỳ. Con số này cho thấy sự nỗ lực của đơn vị, trong khi các sản phẩm phân bón của những hãng khác có giá thấp hơn Supe Lâm Thao từ 600.000 – 800.000 đồng/tấn.
Cũng theo chị Xuân, trong những năm 2021, 2022 sản lượng bán hàng Supe Lâm Thao của đơn vị giảm nhiều, chị đã phải đi thăm đồng, tìm đến tận nhà nông dân để tìm hiểu nguyên do. Sau đó về, chị đề nghị ngay cán bộ thị trường phải làm mô hình giới thiệu các sản phẩm phân Supe Lâm Thao ngay trên những cánh đồng cây trồng kém phát triển. Những mô hình như vậy, ngoài phối hợp với Supe Lâm Thao, đơn vị còn chủ động tổ chức.
Kiểm tra các đại lý, chị Xuân thấy ngay vấn đề ở chỗ, vì lợi nhuận nên một số đại lý lấy sản phẩm phân bón của những hãng khác, có chiết khấu cao hơn thay thế hàng Supe Lâm Thao.
Chị Xuân liền quyết định thay đổi bằng cách thuê đất ở các thôn, bản để làm biển quảng bá sản phẩm cho Supe Lâm Thao. Khuyến cáo bà con khi mua phân nên mua cả bao chứ không nên mua lẻ vì dễ bị người bán trà trộn phân bón khác, đổ phân có giá rẻ hơn vào bao bì của Lâm Thao rồi bán cho họ.
Từ làm các mô hình tốt, bà con truyền tai nhau mua phân bón Supe Lâm Thao khiến nhiều đại lý không bán được hàng hãng phân khác, quay trở lại tập trung vào các sản phẩm của Supe Lâm Thao.
Trong top các nhà phân phối đạt sản lượng cao, gây ấn tượng phải kể đến Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Thanh Sơn (tỉnh Sơn La), bởi chỉ sau 7 tháng đã bán hơn 30.000 tấn phân bón, vượt kế hoạch cả năm.
Chị Lê Thị Hà – Phó Giám đốc Công ty cho biết, vài năm gần đây chất lượng phân bón của Supe Lâm Thao đã cải tiến không ngừng, được bà con nông dân tin tưởng. Thêm vào đó là cơ chế, chính sách cho nhà phân phối linh hoạt hơn, khi thị trường xuống, cho gửi hàng, gửi kho để đại lý cấp 1, cấp 2 kịp tiêu thụ. Vì vậy, dù giá phân bón Supe Lâm Thao cao hơn đa số các sản phẩm phân bón của những hãng khác, mà sản lượng tiêu thụ của Công ty Thanh Sơn vẫn vượt kế hoạch cả năm, trong đó riêng sản phẩm mới tăng được hơn 1.000 tấn.
“Thành quả đó không tự nhiên mà có được, nhất là trong thời buổi cạnh tranh thị trường khốc liệt như hiện nay. Tôi cùng chồng là anh Chu Đình Quân – Giám đốc Công ty đã có nhiều chuyến đi tiếp thị vào các bản cho bà con dùng thử các sản phẩm chuyên dùng của Supe Lâm Thao. Sơn La có nhiều diện tích cây ăn quả, thị trường có nhiều loại phân bón nên cạnh tranh nhau rất dữ dội. Vì vậy chúng tôi cho nông dân dùng thử phân bón theo hướng khoanh thành từng vùng riêng biệt. Từ hiệu quả vụ đầu, họ sẽ tin tưởng dùng ở những vụ sau” – chị Hà kể.
Đến nay, các vùng trồng nhãn ở huyện Sông Mã; trồng mận, na, nhãn ở huyện Yên Châu bà con đều tin dùng Lâm Thao. Riêng ở huyện Yên Châu, sản phẩm NPK hàm lượng cao đã tiêu thụ được 400-500 tấn, NPK vi sinh được 700-800 tấn…
Góp ý cho Supe Lâm Thao, theo chị Nguyễn Thị Xuân – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thủy Ngân, phân định vùng miền cho các nhà phân phối là chủ trương đúng đắn của Supe Lâm Thao bởi nó bảo đảm cho các nhà phân phối đều có lợi nhuận. Các nhà phân phối như anh em một nhà nên nếu có chuyện đem cả xe ô tô hàng sang vùng của người khác để bán thì hãy báo cho Supe Lâm Thao.
“Thay vì tranh cãi, hãy giành thời gian ấy để tập trung vào công tác bán hàng, gia tăng sản lượng thì lợi nhuận còn gấp mấy lần. Về chính sách công nợ 5 ngày thì Supe Lâm Thao nên xem xét lại bởi nếu rơi vào kỳ nghỉ, lễ Tết sẽ thiệt cho các nhà phân phối” – chị Xuân nói.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Phạm Thanh Tùng – Tổng giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao khẳng định, giữa nhà sản xuất phân bón và các nhà phân phối là một cơ thể hữu cơ, không thể tách rời nên phải luôn kết nối khăng khít với nhau.
Từ những khó khăn thách thức, cùng với những cơ hội, thuận lợi, Supe Lâm Thao đưa ra định hướng phát triển trong những tháng cuối năm 2024, tập trung vào những vấn đề sau: Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú trọng cải tiến mẫu mã bao bì để sản phẩm ngày càng phù hợp với thị trường, an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.
Thường xuyên tổng kết đánh giá và điều chỉnh sắp xếp lại hệ thống các nhà phân phối để phù hợp với việc phân vùng tiêu thụ, duy trì ổn định thị trường, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà phân phối, đặc biệt với những vùng thị trường độc quyền nhưng sản lượng không tăng trưởng và các vùng bán giá quá cao, không chia sẻ lợi ích với đại lý cấp 2, 3.
Tiếp tục duy trì cơ chế khen thưởng, chiết khấu bổ sung cho các bạn hàng thực hiện tốt các nội dung điều khoản của hợp đồng để khuyến khích khách hàng tiêu thụ sản phẩm, giảm hạn mức dư nợ. Tiếp tục các chương trình quảng bá, tiếp thị sản phẩm thông qua các chương trình khuyến mại, quét tem, lắp bảng tên cửa hàng, biển quảng cáo, các hội nghị hướng dẫn sử dụng phân bón thiết thực và hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
“Một lần nữa, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới quý bạn hàng đã luôn đồng hành và ủng hộ chúng tôi trong suốt thời gian qua. Sự tin tưởng và hợp tác của quý vị là động lực để chúng tôi không ngừng nỗ lực và phát triển” – ông Phạm Thanh Tùng bày tỏ sự tin tưởng.
Thiên Hương
Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025
Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025
Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025
Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới