Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam. Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, tại nhiều địa phương, chính quyền và doanh nghiệp đã nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, chuyển đổi xanh để bắt kịp sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng, nhất là yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.
Vẫn còn nhiều rào cản
Một số địa phương như Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Đồng Tháp,… đã quan tâm đến yếu tố xanh trong phát triển kinh tế, từ đó xây dựng chương trình, sáng kiến về mô hình phát triển xanh, huy động sự tham gia của nhiều đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình đào tạo, tập huấn, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Điểm thuận lợi là thời gian qua, Nhà nước đã ban hành khung chính sách chung về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ bao gồm nhóm chính sách tài chính như ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, qua đó tạo động lực và khuyến khích doanh nghiệp thực hiện hoạt động đổi mới sáng tạo theo hướng xanh, sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh nguồn vốn tài chính từ ngân sách nhà nước, việc thực hiện các chính sách tài chính thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh đã thu hút, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đối ứng từ doanh nghiệp. Cùng với đó, các chính sách phi tài chính như hỗ trợ kỹ thuật, truyền thông, quảng bá, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại cũng được quan tâm thực hiện giúp phong trào khởi nghiệp gắn với đổi mới sáng tạo diễn ra mạnh mẽ, gắn với tiêu chí xanh.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban Nghiên cứu thể chế kinh tế (CIEM), hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do vẫn gặp nhiều rào cản như: Mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong doanh nghiệp còn khá thấp, giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, sản phẩm có tính mới với doanh nghiệp nhưng không mới với thị trường.
Phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến hiện nay được nhiều doanh nghiệp thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp điều kiện vận hành ở địa phương, hoặc thực hiện đổi mới quy trình dựa trên các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm khắc phục lỗi kỹ thuật phát sinh từ thực tiễn sản xuất hoặc cải tiến hệ thống sản xuất hiện có.
Số liệu của Báo cáo cho thấy, nguồn lực tài chính thực hiện đổi mới sáng tạo xanh chủ yếu là vốn tự có của doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được vốn hỗ trợ từ Nhà nước còn rất hạn chế. Cụ thể, năm 2021, chỉ có 35,5% số doanh nghiệp được khảo sát nhận được chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ; 26,4% được hỗ trợ về tín dụng; 7,1% được hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật,… Đáng lưu ý, số doanh nghiệp tiếp cận được vốn xanh còn rất hạn chế do thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh vẫn ở trong giai đoạn đầu phát triển, còn gặp nhiều khó khăn. Đây là lực cản rất lớn đối với quá trình đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hoàn thiện khung chính sách
Chia sẻ bài học kinh nghiệm của Đan Mạch, bà Mette Ekeroth, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp của quốc gia này. Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan đến giảm phát thải nhà kính, công nghệ thu giữ các-bon, phát triển kinh tế tuần hoàn,… để góp phần tiến hành chuyển đổi xanh tại Đan Mạch.
Tại Việt Nam, Chính phủ rất khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào quá trình chuyển đổi xanh. Bản thân các doanh nghiệp cũng phản ứng nhanh trước những thách thức, yêu cầu mới, tiến hành thử nghiệm các mô hình mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tận dụng cơ hội chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh và tối đa hóa các nguồn lực để phát triển bền vững, đóng góp vào mục tiêu bảo vệ môi trường, phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.
Cho rằng báo cáo sẽ mở ra giai đoạn nghiên cứu mới, giúp doanh nghiệp phát huy tốt nhất năng lực đổi mới sáng tạo xanh, đóng góp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đối với phát triển kinh tế-xã hội, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương kiến nghị, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời, tập trung xây dựng và thực hiện các giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp.
Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cố gắng tận dụng hiệu quả của công nghệ xanh để chuyển thành lợi thế cạnh tranh, tối đa hóa lợi ích của mình. Trong quá trình này, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, cần đưa ra những kiến nghị cụ thể cho các bộ, ngành để hỗ trợ cho từng nhóm doanh nghiệp. Đây là một cách hiệu quả để củng cố sự đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng dựa trên những ý tưởng và sáng kiến mới.
Để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo xanh, CIEM kiến nghị cần tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ cho hoạt động này, bao gồm các
quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư và các chính sách về thị trường; chính sách phát triển công nghiệp môi trường đối với các sản phẩm, thiết bị và công nghệ phục vụ cho thực hiện đổi mới sáng tạo xanh…■