Chung sức xây dựng nông thôn mới_top

Rừng đầu nguồn sông Bé ở Bình Phước đang được bảo vệ nghiêm ngặt

Sông Bé có chiều dài 350km, bắt nguồn từ vùng đất cao nguyên là tỉnh Đắk Nông rồi chảy xuôi về các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, trước khi hợp lưu vào sông Đồng Nai tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).

Nhờ rừng đầu nguồn đang được bảo vệ nghiêm ngặt đã góp phần điều tiết nước cho các hồ chứa nhà máy thủy điện, tạo ra nguồn thủy sản phong phú và tài nguyên du lịch sinh thái từng bước được đánh thức.

Hệ động vật phong phú tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, vùng đầu nguồn sông Bé.

Sau khi chảy qua Thủy điện Thác Mơ chừng 32km, sông Bé gặp nhánh sông Đắk Huýt chạy dọc biên giới Việt Nam – Campuchia tại ngã ba Vàm (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) rồi nhiều lần đổi hướng trước khi chảy về hạ lưu.

Thượng nguồn sông Bé có Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập với diện tích hơn 25.600ha, cung cấp nước cho các hồ chứa thủy điện và tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, M’Nông…

Một đời sống chết với rừng

Chiếc xe bán tải 2 cầu đưa chúng tôi men theo con đường hơn 10km, nhiều đoạn đất đỏ bụi mù, đồi núi trập trùng, khúc khuỷu. Vượt hết dốc cao rồi hố sâu, chúng tôi mới đến được chốt liên ngành lưu vực lòng hồ Cần Đơn thuộc Tiểu khu 52, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập đang được Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai (BQLRPH) thuộc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước quản lý.

Chốt được dựng đơn sơ bằng gỗ, lợp tôn nằm ven sông, là nơi che mưa, che nắng sau những giờ tuần tra, bảo vệ rừng của các kiểm lâm viên.

Cùng các anh kiểm lâm viên dạo một vòng dọc theo sông Đắk Huýt dài hơn 20km bằng ca nô, chúng tôi ghi nhận lòng sông hẹp, quanh co, uốn lượn, hai bên bờ cơ man là cây gáo nước, dầu, vàng dè, chiu riu nối tiếp nhau dệt một màu xanh bạt ngàn.

Ông Tạ Đình Trung, kiểm lâm viên (sinh năm 1967) có 36 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, cho biết, ông ít về nhà, phần lớn thời gian ở rừng, ăn uống, ngủ nghỉ tại chốt cùng 3 kiểm lâm viên khác để bảo vệ rừng đầu nguồn dọc theo tuyến sông Đắk Huýt.

Mỗi tuần, anh em trong chốt phân công nhiệm vụ cụ thể, thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ rừng, nên nhiều năm nay, không còn tình trạng lâm tặc lợi dụng địa hình phức tạp vùng thượng nguồn để vào rừng chặt cây, săn bắt thú rừng.

Cuộc sống quẩn quanh trong rừng, hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài, ít người qua lại, sóng điện thoại cũng lúc có, lúc không; gạo, nước mắm, muối, bình nước lọc được mua về dự trữ dùng trong một vài tuần, thậm chí cả tháng. Nhờ tình yêu rừng giúp ông Trung và đồng nghiệp vượt qua mọi rào cản, thầm lặng làm tốt nhiệm vụ của “người cận vệ” thủy chung bên những cánh rừng già.

Trở ra BQLRPH Đắk Mai, chúng tôi được ông Hoàng Hồng Sơn (sinh năm 1967, đảm trách bộ phận nghiệp vụ của ban) có 25 năm gắn bó với nghề giữ rừng, chia sẻ: Đầu những năm 2000, công việc quản lý, bảo vệ rừng gặp vô vàn khó khăn do các nhóm lâm tặc thường vào rừng khai thác gỗ, kéo ra bìa rừng thả trôi theo dòng sông Đắk Huýt về xuôi để đồng bọn chờ sẵn đưa đi bán.

Các đối tượng lâm tặc từ trên Đắk Nông cũng thường xuyên ghé, mang theo xe trâu để kéo gỗ. Có lần bị lực lượng kiểm lâm chặn bắt, chúng huy động 30-40 đối tượng mang theo mã tấu, dao rựa chống trả quyết liệt, cướp lại tang vật. Sự manh động, hung hãn của lâm tặc không làm ông Sơn và đồng đội nao núng mà càng nâng cao cảnh giác, siết chặt kỷ cương, tình đoàn kết quyết tâm truy quét các đối tượng xâm hại rừng.

Chốt kiểm lâm bảo vệ rừng lưu vực lòng hồ Cần Đơn trên sông Đắk Huýt. Ảnh: HOÀNG BẮC

BQLRPH Đắk Mai chú trọng việc tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, cùng các hộ dân ký cam kết không phá rừng nên từng tấc đất, cây rừng không còn bị xâm chiếm, chặt phá.

Anh Điểu Sa Riu (sinh năm 1984, người đồng bào S’tiêng, xã Bù Gia Mập) tham gia giữ rừng hơn 16 năm, cho biết: “Mình rất vui vì đồng bào dân tộc S’tiêng, M’Nông khi được cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng nói cho biết cái phải, cái sai nên không phá rừng nữa. Mình có đứa con trai cũng yêu rừng như mình vậy. Nó thi đậu vào ngành kiểm lâm rồi trở về sát cánh cùng bà con, bộ đội và kiểm lâm giữ rừng”.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, Giám đốc BQLRPH Đắk Mai, đơn vị quản lý 20.796,62ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ 11.313,07ha, phân bố trên 3 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, góp phần khôi phục phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Khu vực có đồi dốc hiểm trở, chia cắt bởi nhiều sông, suối, hồ lớn và đồng bào dân tộc có thói quen đốt nương làm rẫy, nhưng không làm lực lượng kiểm lâm nản chí. Thay vào đó, anh em càng quyết tâm hơn để “bảo vệ rừng tận gốc” trên lâm phần được giao quản lý.

Khá lên nhờ nhận giao khoán, bảo vệ rừng

Theo chân các kiểm lâm viên của VQG Bù Gia Mập, chúng tôi đi sâu vào rừng. Đang cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt nhưng không khí thật mát mẻ, tạo cảm giác khoan khoái, dễ chịu.

Từng vạt rừng nguyên sinh bạt ngàn hiện ra trước mắt với nhiều loại gỗ quý, có cây cao 30m, vài người ôm không xuể bị cây leo chằng chịt quấn quanh.

Hỏi ra mới biết, đây là khu vực có 10 cộng đồng với hơn 620 hộ, đa số là người đồng bào dân tộc S’tiêng, M’Nông thuộc xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) và xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 19.000ha rừng. Nhờ rừng, cuộc sống của bà con ổn định hơn so với trước đây.

Lực lượng kiểm lâm Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk Mai tuần tra, bảo vệ rừng dọc sông Đắc Huýt, thượng nguồn sông Bé. Ảnh: HOÀNG BẮC

Hơn 7 giờ sáng, từng tia nắng ban mai xuyên qua kẽ lá chiếu rọi xuống cả khu rừng, ông Điểu Tơn (sinh năm 1977, thành viên Tổ nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập) mang theo một số vật dụng cồng kềnh trên chiếc xe cà tàng vào rừng, hì hục dọn dẹp cành lá, cỏ khô tại đường băng cản lửa.

Ông cho biết: “Tổ nhận khoán có 36 người, mỗi ngày chia thành 3 ca trực, bảo vệ hơn 2.000ha rừng, cứ theo lịch mà làm. Hiện nguy cơ cháy rừng luôn rình rập nên anh em phải thay phiên nhau trực, không dám lơ là. Ngoài giờ tuần tra, bà con còn đi nhặt điều, cạo mủ cao su, thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng/tháng nên không lo đói ăn, thiếu gạo”.

Nhìn những vạt rừng nguyên sinh xanh tốt đang vươn lên mạnh mẽ, ông Điểu Tơn chia sẻ thêm, rừng cho lộc nuôi sống người S’tiêng nên phải quý trọng rừng.

Khi tuần tra, kiểm soát, ngoài tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, tổ nhận khoán nhiều lần phát hiện, bắt giữ các đối tượng vào rừng săn, bẫy thú, hái quả, phá rừng trái phép, giao cho lãnh đạo vườn xử lý.

Giữa cái nắng chói chang nhưng ông Điểu Long (sinh năm 1971, ngụ thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập) vẫn miệt mài tuần tra ở vạt rừng giáp biên giới Campuchia. Lấy chai nước uống cho đỡ khát, ông Long chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên giữa rừng già trong một gia đình nghèo đồng bào dân tộc S’tiêng.

Mới 14 tuổi ông phải vào rừng kiếm sống, từ săn bắt thú rừng đến lấy cắp lâm sản, rồi thậm chí phá rừng làm rẫy. Sau nhiều năm làm lâm tặc, ông giật mình tỉnh ngộ khi nhìn thấy rừng bị tàn phá, cuộc sống của bà con ngày càng khó khăn. Suy nghĩ “mỗi người phá 1 cây, 1.000 người sẽ mất 1.000 cây thì rừng không còn”, nên năm 2006, ông Long xin đi bảo vệ rừng để “trả tội thiên nhiên”.

Với thu nhập bình quân từ 2-2,5 triệu đồng/tháng, mỗi quý ông nhận một lần từ 8-10 triệu đồng. Ông cũng vận động đồng bào S’tiêng từ bỏ tập quán đốt rừng làm rẫy, săn bắt thú rừng để không mắc tội với rừng!

Chúng tôi tìm gặp anh Hoàng Anh Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý VQG Bù Gia Mập, người có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập VQG nên biết rõ từng đường mòn, con sông, khe suối của vườn. Anh thông tin: VQG có hơn 25.600ha được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam bộ, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ, Sork Phu Miêng, Cần Đơn.

22 năm qua, cán bộ, nhân viên và lực lượng kiểm lâm của đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn để bảo vệ rừng của VQG, nhờ đó các vụ khai thác lâm sản, săn bắn động vật hoang dã giảm hẳn. Đặc biệt, từ khi thành lập, vườn không xảy ra vụ phá rừng làm nương rẫy trong lâm phần, chặn đứng tình trạng lấn chiếm đất rừng trái pháp luật, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nguyên vẹn.

Vườn Quốc gia Bù Gia Mập có 1.117 loài thực vật với nhiều cây họ đậu quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, giáng hương, trầm hương, kim giao, 278 giống cây dùng làm thuốc; động vật hoang dã có hơn 400 loài, trong đó có 30 loài được ghi trong sách đỏ góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 của Việt Nam.

Hoàng Bắc-Xuân Trung-Bùi Liêm (Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP))

Vương Đinh Huệ
Văn bản ban hành

LĂNG THÀNH- YÊN THÀNH ĐÓN BẰNG CÔNG NHẬN XÃ ĐẠT CHUẨN NÔNG THÔN MỚI NÂNG CAO.

Một loại rau mọc trên đá với cái tên đầy lạ lẫm, đã trở thành đặc sản quý hiếm ở Nghệ An

1541/QĐ-UBND

Ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới; Vườn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 – 2025

318/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

1563/QĐ-UBND

Về việc quy định các nội dung, tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025

320/QĐ-TTg

Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025

319/QĐ-TTg

Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025

263/QĐ-TTg

Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

18/2022/QĐ-TTg

Ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025

24/2020/NQ-HĐND

Về một số chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 – 2025

211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; bổ sung tiêu chí huyện nông thôn mới đặc thù, không có đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2021 – 2025

Số 05/2014/TT-BVHTTDL

Giới thiệu mô hình hay và đề xuất sáng kiến triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới


ĐỌC NHIỀU NHẤT
Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Xem bình chọn

Loading ... Loading ...
Thống kê
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây