22/12/2021 | 14:03

Nam Định: Hỗ trợ các chủ thể OCOP chuẩn hóa sản phẩm

Nam Định là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình OCOP. Trong chỉ đạo thực hiện UBND tỉnh định hướng các ngành, các địa phương cần nhận thức mục tiêu trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Ban Chỉ đạo chương trình MTQG giai đoạn 2016-2020 tỉnh Nam Định, đến nay, tỉnh Nam Định đã có 146 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó có: 28 sản phẩm OCOP 4 sao, 118 sản phẩm OCOP 3 sao). Về cơ cấu sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định, có 135 sản phẩm OCOP thuộc ngành thực phẩm (92,4%); 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống (4,8%); 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ (1,4%); 2 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn (1,4%). Tổng số có 80 chủ thể có sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 35 doanh nghiệp; 18 hợp tác xã, 27 hộ sản xuất kinh doanh.

Với việc hỗ trợ các chủ thể OCOP chuẩn hóa sản phẩm gắn với quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP), Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh chủ trì phối hợp với Đơn vị tư vấn và UBND các huyện, thành phố tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm trực tiếp tại các cơ sở sản xuất của các chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng sản phẩm so với Bộ tiêu chí OCOP, tư vấn định hướng hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm đối với từng sản phẩm như:

- Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về tính hoàn thiện của bao bì sản phẩm: nội dung ghi nhãn trên bao bì đúng quy định hiện hành và tính thẩm mỹ, tiện dụng của bao bì theo hướng phù hợp với thị trường và phân khúc khách hàng;

- Hướng dẫn, hỗ trợ quản trị chất lượng: Kiểm tra, hướng dẫn chủ thể kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm đảm bảo có đẩy đủ các chỉ tiêu theo quy định hiện hành; hướng dẫn chủ thể xây dựng và công bố chất lượng sản phẩm (theo 5 bước: bước 1 xác định loại hình công bố; bước 2 xây dựng chỉ tiêu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định; bước 3 kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025; bước 4 xây dựng hồ sơ công bố chất lượng; bước 5 Công bố chất lượng tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm); xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng (tư vấn, hướng dẫn áp dụng Kế hoạch kiểm soát chất lượng phù hợp và triển khai áp dụng theo nguyên tắc “Áp dụng từ từ, từ dễ đến khó” để tránh ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động sản xuất của Chủ thể nhưng mục tiêu dài hạn là phải áp dụng toàn bộ kế hoạch kiểm soát chất lượng).

- Tư vấn, hướng dẫn chủ thể về bố trí nhà xưởng, khu vực sản xuất sản phẩm đảm bảo đúng quy định về ATTP và phù hợp nhất với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong từng năm triển khai thực hiện Chương trình, UBND tỉnh đều ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí để quản lý chất lượng sản phẩm; Để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm độc lập các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm đối với tất cả các sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, thảo dược và đồ uống. Ngoài ra, giao Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức giám sát, hậu kiểm các sản phẩm OCOP đã được công nhận sản phẩm OCOP./

H. Hà