02/12/2021 | 08:20

Câu chuyện chuỗi lúa gạo ở Tam Hưng

HÀ NỘI Xã Tam Hưng huyện Thanh Oai cũng là một trong những mô hình đầu tiên của TP Hà Nội phát triển chuỗi lúa gạo.

 

Hiện nay, 100% diện tích đất nông nghiệp ở đây đều trồng lúa mỗi năm cung ứng từ 1.000 - 1.400 tấn gạo chất lượng cao cho Hà Nội và các thị trường lân cận. Câu chuyện được bắt đầu từ 10 năm trở về trước, khi đó thực hiện chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2011 – 2015, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã hỗ trợ, đưa vào sản xuất 100ha giống lúa Bắc thơm số 7 để thay thế cho giống lúa thuần chất lượng thấp như Khang Dân và một số giống lúa lai nhập ngoại gạo làm ra chỉ để nấu rượu hay chế biến, giá trị thấp.

Sau đó là sự phát triển của giống lúa bản địa đặc sản Nếp cái hoa vàng với mô hình ban đầu thử nghiệm 50 ha, dần mở rộng lên 150 ha. Năm 2014, nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê” ra đời đã dần khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho bà con.

Gian hàng trưng bày của HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng. Ảnh: TL.

Phát triển chuyên sâu hơn, năm 2016, HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Tam Hưng đã đầu tư lắp đặt hệ thống máy xay xát, đánh bóng, lọc tạp chất, tách màu nên chất lượng gạo thành phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao hơn hẳn. Những hạt gạo thơm Bối Khê sau xay xát không còn đóng thô, xuất thô mà có logo, nhãn mác nào là Nếp cái hoa vàng, nào là Bắc thơm số 7, được nhiều bếp ăn tập thể, trường mầm non trên địa bàn tin dùng.

Đến nay, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đã chiếm từ 70 – 80% diện tích lúa của xã, trong đó có 250ha trồng Nếp cái hoa vàng, còn lại là giống Bắc thơm số 7 và một số giống lúa đặc sản khác. Không phát triển theo kiểu nông hộ đơn lẻ mà Tam Hưng đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết, rất bền vững. HTX Kinh doanh Dịch vụ Nông nghiệp Tam Hưng đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP Gạo Bảo Minh, Công ty TNHH Đông Sơn, Công ty Thái Sơn, Công ty Trần Kim, Công ty Nicotex.

Đóng gói sản phẩm ại HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng. Ảnh: TL.

Trước mỗi vụ, các doanh nghiệp này thỏa thuận bằng hợp đồng với HTX để cấy giống gì, diện tích, sản lượng bao nhiêu, áp dụng theo quy trình nào rồi HTX lại chỉ đạo xuống dân cứ thế mà thực hiện. Trong hợp đồng cũng ghi rõ nếu bên nào tự ý phá vỡ thì sẽ phải đền bù thiệt hại.

Giám đốc HTX anh Đỗ Văn Kiên cho hay, trong bối cảnh dịch Covid 19 hoành hành và biến đổi khí hậu rất nhanh cũng như yêu cầu của người tiêu dùng mỗi lúc một cao như hiện nay nông dân cần thích ứng những mô hình sản xuất sạch, làm ra những thực phẩm an toàn, có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm của mình. Đi theo định hướng đó, thời gian gần đây HTX đã mở rộng được gần 50% diện tích lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhờ vậy cung ứng cho các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn của Hà Nội từ 700 - 1.000 tấn gạo, số còn lại phục vụ trong chính các gia đình của người nông dân.

Gạo thơm Bối Khê. Ảnh: TL.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí thì chuỗi lúa gạo của xã Tam Hưng đang phát triển đúng định hướng của ngành nông nghiệp. Cụ thể, nó đã được kiểm soát chặt chẽ từ khâu giống, chăm sóc đến thu hoạch, chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng khó tính. Nhờ tham gia chuỗi, nông dân được tập huấn kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm an toàn, hạn chế sử dụng thuốc sâu độc hại nên không tàn phá môi trường cũng như tàn phá sức khỏe của chính mình. Hiệu quả kinh tế, xã hội, giá trị trên một đơn vị canh tác nhờ liên kết chuỗi mà được đổi thay rõ rệt.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội nói chung và Chi cục Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội nói riêng sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng duy trì, phát triển hơn nữa về diện tích, sản lượng, chất lượng gạo cũng như đưa sản phẩm đã được OCOP nâng hạng thành OCOP 5 sao và những sản phẩm mới tham gia vào chấm điểm OCOP.

Đinh Thanh Huyền